Cần bổ sung chất dinh dưỡng để trẻ em có đủ năng lượng trong mùa nắng nóng (Ảnh chụp trước khi bùng phát đợt dịch lần thứ 4)

Những bệnh thường gặp

Thời tiết nắng nóng khiến trẻ dễ mắc phải các bệnh như: Tiêu chảy: do nắng nóng thức ăn dễ hư, ôi, thiu... môi trường ô nhiễm làm phát tán mầm bệnh, trẻ hay khát nước nên dễ uống những loại nước  không đảm bảo vệ sinh khi mùa nắng nóng; ngộ độc thức ăn: thức ăn không được bảo quản kỹ và việc chế biến không đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ là nguyên nhân gây ra ngộ độc thức ăn ở trẻ em, nhất là môi trường học đường. Nhiễm siêu vi: mùa nắng nóng cũng là thời điểm làm cho trẻ dễ bị nhiễm siêu vi khiến trẻ bị sốt, phát ban, quấy khóc, nôn ói, ăn uống khó khăn... Bệnh lý đường hô hấp (viêm amydales, viêm VA, viêm phế quản, viêm phổi…); viêm não và viêm màng não trẻ em, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, các bệnh lý về da (rôm sảy, viêm da, nhiễm trùng da…).

BS. ThS. Phạm Hữu Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, trong tháng 6 vừa qua, có 600 bệnh nhi nhập viện. Trong đó, 21% các ca liên quan đến thời tiết nắng nóng: Bệnh tiêu hóa chiếm 17% (chủ yếu tiêu chảy cấp và ngộ độc thức ăn), hô hấp chiếm 4% (chủ yếu là viêm họng, viêm amidan). Nhiều ca bệnh nặng như viêm họng cấp, viêm dạ dày ruột cấp đang phải điều trị tích cực tại trung tâm.

Chính vì vậy, cần bổ sung chất dinh dưỡng, tăng cường lượng dịch uống để bồi hoàn lượng nước cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như các loại nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước sôi nguội... giúp cơ thể trẻ luôn luôn mát mẻ và tăng cường sức đề kháng để chống chọi với bệnh tật. Đồng thời, nên chú ý môi trường sống xung quanh, giữ gìn vệ sinh và đảm bảo các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm để giảm thiểu tối đa những tác nhân gây bệnh cho trẻ.

Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng

Theo BS CKII. Hồ Đỗ Vinh, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Trung ương Huế, để tránh tình trạng mất nước, cạn kiệt năng lượng trong mùa nắng nóng, chúng ta cần cung cấp dinh dưỡng cho trẻ hợp lý theo từng lứa tuổi đặc biệt là chất đạm. Lượng đạm cần cung cấp cho trẻ thường khoảng 1.5 – 2.5g tuỳ theo cân nặng. Chú ý lượng nước cho trẻ uống hằng ngày thường được tính: trẻ có trọng lượng từ 1 – 10kg lượng nước nên dùng 100 ml/1kilogram trọng lượng; từ kg thứ 11 đến 20 mỗi kg cộng thêm 50 ml nước; từ 21kg trở lên, mỗi kg cộng thêm 20ml nước.

Trong những ngày hè nắng nóng, những thực phẩm giúp cơ thể giải nhiệt, như: Rau má, mồng tơi, bí đao, bầu, rau ngót, rau dền, dưa gang, dưa chuột, dưa lê, cà chua… Trong các loại rau quả này có chứa nhiều betacaroten, vitamin C, K và chất chống oxy hoá. Bên cạnh đó, các thức uống từ bưởi, chanh, cam, nước dừa tươi… rất tốt cho cơ thể của trẻ bởi những loại quả này chứa nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa cao có tác dụng làm tăng quá trình thải độc của gan, chuyển hóa các chất độc thành dạng dễ tan trong nước và dễ dàng thải ra ngoài. Mỗi ngày 1 ly nước ép bưởi, chanh, cam hoặc quýt sẽ giúp trẻ khỏe mạnh hơn và hạn chế thức ăn nhanh, thức ăn quá lạnh không tốt cho sức khỏe...

Chị Hoàng Thị Phương (TP. Huế), có con nhỏ 9 tuổi cho biết, con ở độ tuổi đang hiếu động, thường xuyên hoạt động vui chơi ngoài trời, đặc biệt là vào những ngày hè nắng nóng, tôi luôn đảm bảo cho cháu nghỉ ngơi, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và luôn nhắc nhở cháu không được ăn những thức ăn bán hàng rong để hạn chế bệnh tật.

Bài, ảnh: Bạch Châu