Virus cúm gia cầm có thể lây sang người qua phân, nước bọt và dịch tiết của gia cầm bị nhiễm bệnh. Ảnh minh hoạ: REuters/Vietnam+

Cậu bé 11 tuổi, nhập viện AIIMS (ở thủ đô New Delhi) vào ngày 2/7 vừa qua được xác nhận đã tử vong hôm 20/7 vì suy đa tạng do nhiễm cúm gia cầm. Việc truy vết liên lạc để xác định những người đã tiếp xúc gần với cậu bé đang được tiến hành.

Theo tin từ Reuters, cậu bé nhập viện với tình trạng sốt cao và ho, khiến bệnh viện nghi ngờ cậu bị nhiễm COVID-19.  Tuy nhiên, khi các xét nghiệm đều cho kết quả âm tính, cuộc điều tra sâu hơn đã xác định cậu bé đang bị nhiễm trùng do virus cúm có nguồn gốc từ gia cầm hoặc chim.

Ấn Độ đã trải qua nhiều đợt bùng phát dịch cúm gia cầm trong 15 năm qua. Tuy nhiên, các đợt dịch chủ yếu ảnh hưởng đến gia cầm và chưa có trường hợp nào tử vong do căn bệnh này trước đây. Điều này khiến các chuyên gia y tế cộng đồng càng thêm cảnh giác về diễn biến mới với ca tử vong đầu tiên này.

Cơ quan chức năng Ấn Độ hiện đang truy vết những người đã tiếp xúc với cậu bé trước khi qua đời. Các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế tham gia điều trị cho cậu bé được khuyến cáo tự cách ly và báo cáo các triệu chứng như đau họng, hắt hơi và sổ mũi.

Các nỗ lực cũng đang được thực hiện để xác định chủng virus cúm. Một bác sĩ của AIIMS cho biết có rất nhiều chủng virus và trong khi một số chủng có thể chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ, “những chủng khác có thể gây chết người”. Vị bác sĩ này cũng nói thêm rằng bệnh cúm gia cầm rất hiếm gặp ở người nhưng nếu đã nhiễm thì nguy cơ tử vong rất cao.

“Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong do cúm gia cầm ở người cao tới 60%”, ông cảnh báo.

Virus cúm gia cầm có thể lây sang người qua phân, nước bọt và dịch tiết của gia cầm bị nhiễm bệnh. Vì vậy, cần tránh các bề mặt bị nhiễm bẩn. Các chuyên gia y tế nhấn mạnh rằng mặc dù nguy cơ cúm gia cầm lây sang người là “cực kỳ hiếm”, nhưng cần phải đề phòng. Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dân nên cảnh giác về tình trạng chim chết ở địa phương. 

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), virus cúm gia cầm có thể lây nhiễm sang người nếu đủ lượng virus xâm nhập vào mắt, mũi, miệng hoặc hít phải của cá thể nhiễm bệnh. CDC cho biết thêm rằng hầu hết các trường hợp lây nhiễm cúm gia cầm ở người là do tiếp xúc với các loài chim bị nhiễm bệnh hoặc các bề mặt bị ô nhiễm.

Cũng theo CDC, bệnh cúm gia cầm ở người có thể từ nhẹ đến nặng. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm sốt, ho, đau họng, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, đau nhức cơ thể, mệt mỏi, nhức đầu, đỏ mắt (hoặc viêm kết mạc) và khó thở.

Cũng như cúm mùa, một số người có nguy cơ cao mắc cúm gia cầm, trong đó có phụ nữ mang thai, những người bị suy giảm hệ miễn dịch và những người từ 65 tuổi trở lên. Từ tháng 11/2003 đến nay, hơn 700 trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm A (H5N1) độc lực cao ở người đã được báo cáo cho WHO từ 15 quốc gia ở châu Á, châu Phi, Thái Bình Dương, châu Âu và Cận Đông, trong đó Indonesia, Việt Nam và Ai Cập ghi nhận số ca nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 ở người cao nhất tính đến thời điểm hiện tại.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Reuters & India Times)