Đời thuở, có chuyện “lá rách đùm lá lành”!

Ngạn ngữ có câu: “Lá lành đùm lá rách”. Ý nói đến cái sự giúp đỡ, đùm bọc nhau trong cuộc sống. Người có giúp đỡ cho người khó khăn; người khó khăn giúp cho người khó khăn hơn nữa… Và cứ thế đến muôn trùng.

Nhanh tay cho kịp các chuyến xe vào Nam. Ảnh: HOÀNG PHƯỚC

Để ý thấy, hễ cứ mỗi lần có nơi nào đó trong đất nước gặp khó khăn, hoạn nạn, chẳng hạn như thiên tai, bão lụt, thì y như rằng người Sài Gòn nói riêng và người miền Nam nói chung lại chung tay trợ giúp. Chúng ta không lạ gì những băng rôn “Hướng về miền Trung” ùn ùn từ phía nam đổ về một khi có thiên tai. Vật chất đủ loại, và cả tiền bạc, tấm lòng. Người ta thường bảo người Sài Gòn phóng khoáng. Sự phóng khoáng của con người không chỉ có ở Sài Gòn, mà có lẽ Sài Gòn mang một đặc trưng rất riêng nên làm cho người ta nhớ. Có phải từ sự phóng khoáng đó mà làm cho Sài Gòn có khả năng dung nạp người của mọi miền; dung nạp rất nhanh những cái hay, cái mới… Tất cả những nhân tố đó đều hướng đến mục tiêu phát triển. Đã có thời kỳ, Sài Gòn đóng góp đến mấy chục phần trăm GDP cho cả nước. Tức là Sài Gòn giàu có, là đầu tàu kinh tế. Đã giàu có và phóng khoáng, cho nên Sài Gòn thường là “cho đi” chứ ít khi nhận lại!

Rồi đại dịch COVID-19 bùng phát, một thành phố năng động như Sài Gòn nhiều nơi phải phong tỏa. Một Sài Gòn nhiều công ăn việc làm buộc phải “đứng khựng” lại. Không ít người rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Thế là có một dòng trợ giúp lại “chảy ngược” vào Sài Gòn. Cái eo thắt lưng ong của miền Trung là nơi còn nhiều khó khăn, nhưng lại thể hiện nhiều nghĩa cử đồng bào. Đủ mọi kiểu, mọi cách để có hàng hóa gửi vào ủng hộ Sài Gòn. Báo Thừa Thiên Huế phát động quyên góp đã nhận ngay được hàng chục triệu đồng trong ngày đầu tiên, và đã tổ chức ngay một chuyến hàng gửi vào Sài Gòn. Tôi được nghe, và xúc động với chi tiết này: Nếu chở được một chuyến hàng như vậy, chi phí vận tải phải mất 15 triệu đồng. Anh em phóng viên tìm kiếm trên mạng và gặp được một chiếc xe “quay đầu” (thuật ngữ thường dùng để chỉ những chiếc xe đã giao hàng một chiều rồi). Chủ xe chỉ lấy tiền chi phí vận tải có 1,5 triệu đồng kèm theo lời giải thích: Vì là hàng cứu trợ nên tôi cùng hỗ trợ các anh!

Một quán chay ở vùng Vỹ Dạ đã kêu gọi quyên góp, chế biến món chay gửi cho Sài Gòn, ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người. Nhiều người vừa ủng hộ tiền, vửa ủng hộ công chế biến (Huế chùa nhiều, tỷ lệ người ăn chay trường, ăn chay vào dịp rằm, ba mươi mùng một nhiều nên cũng có nhiều quán chay và cũng có nhiều người biết nấu món chay), vậy là quán nhiều ngày đông như hội. Hội đạp xe, nhóm tập thể dục thể thao… cũng huy động quyên góp. Về phía tổ chức thì có các hội đoàn, phường xã, cơ quan, công ty, xí nghiệp… Nhiều công - ten - nơ hàng hóa của TP. Huế đã chuyển vào Sài Gòn…

Sự tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam chúng ta khi nào cũng vậy. Nó đã ăn vào trong máu thịt. Hễ cứ có dịp là nó bùng cháy lên. Lòng tốt không kể gì đến sang hèn, giàu nghèo. Có bao nhiêu lòng tốt thì cũng có bấy nhiều kiểu giúp, cách giúp. Người Huế chưa giàu thì người Huế tập hợp nhau lại để có sức mạnh. Không có cao lương mỹ vị thì xin gửi cho Sài Gòn trái bầu, trái bí; các loại mắm; cá nục, cá bống đầm phá kho khô theo kiểu Huế. Gửi những thứ đồ khô thiết yếu mà Sài Gòn cần…

Huế nghèo hơn Sài Gòn (ở đây chỉ nói đến yếu tố kinh tế). Nhiều nơi của miền Trung nghèo hơn Sài Gòn. Nhưng những tấm lòng hướng về Sài Gòn thì Huế, miền Trung không thiếu. Tôi gọi “lá rách đùm lá lành” cũng chỉ là một cách nói. Nhưng mà nó rất thật trong những ngày qua.

NGUYÊN LÊ