UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu phát biểu thảo luận về KT- XH chiều 22/7

Trong phiên họp buổi chiều, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia thảo luận ở tổ. Các đại biểu cơ bản đồng tình với những với những đánh giá về kết quả cũng như các giải pháp đề ra cho 6 tháng cuối năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Nội dung thảo luận của các ĐBQH tỉnh đã nhấn mạnh những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và những thành tựu mà đất nước đã đạt được nhờ quyết tâm, nỗ lực, sự vào cuộc tích cực với nhiều giải pháp đồng bộ của Chính phủ, bộ ban, ngành và địa phương.

Những kết quả đó khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, sự điều hành hiệu quả, linh hoạt của Chính phủ trong bối cảnh hiện nay. Các đại biểu cũng đã đề xuất nhiều giải pháp để Chính phủ tiếp tục điều hành nền kinh tế đạt những mục tiêu, kế hoạch đã đề ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề, góp phần tạo tiền đề vững chắc để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách 6 tháng cuối năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Theo Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế - Lê Trường Lưu, Chính phủ cần nghiên cứu và ban hành một quy chế về hoạt động phòng chống dịch COVID-19, trong đó có phân cấp: nếu quy mô lớn thì Chính phủ quyết định, quy mô nhỏ thì giao cho địa phương. Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu chủ động xây dựng phương án về cơ cấu tổ chức bộ máy, chỉ huy thống nhất, lực lượng nòng cốt thay thế Ban chỉ đạo các cấp hiện nay nếu không còn đáp ứng yêu cầu “chống dịch như chống giặc”.

Cùng với đó, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ví như doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch ảnh hưởng rất nặng nề, có doanh nghiệp đóng cửa, có doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng. Cần có quy định cụ thể các khoản miễn giảm về thuê đất, thuế doanh nghiệp…

Một vấn đề nữa được đại biểu Lê Trường Lưu đề xuất đó là cần “khoan sức dân” trong xử lý nợ công. Theo đại biểu, lâu nay nợ công rất lớn nhưng chủ yếu Chính phủ đi vay ở nước ngoài. Trong khi đó, nguồn lực trong dân là rất lớn, cần có giải pháp huy động vốn trong dân để giám gánh nặng nợ công trong thời gian tới.

Đại biểu Lê Hoài Trung tham gia đóng góp ý kiến về phát triển KT- XH 

Liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2021, đại biểu Lê Trường Lưu đề nghị cần có 2 kịch bản rõ ràng để vận dụng vào thực tế. Đó là một kịch bản kiểm soát được dịch bệnh và kịch bản còn lại là “sống chung với dịch” khi dịch bệnh đang bùng phát ở miền nam. Các kịch bản này cần phải hướng đến tính khả thi cao và vận dụng phù hợp vào tình hình thực tế để duy trì mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.

“Cùng với đó, nếu chúng ta có biện pháp tập trung cho khống chế dịch tốt, không để dịch lây lan trầm trọng hơn thì tôi kỳ vọng rằng đà tăng trưởng kinh tế như vừa qua chúng ta sẽ giữ được. Vì vậy, tôi rất đồng tình với Chính phủ tập trung cao độ vào việc phòng, chống dịch”- đại biểu Lê Trường Lưu nhấn mạnh.

Trước diễn biến của dịch, nhiều đại biểu cho rằng, các gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng và 26.000 tỷ đồng đã được quyết vừa qua là quyết sách kịp thời, quý báu giúp doanh nghiệp, người lao động, nhất là đối tượng yếu thế trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu quan ngại là giải ngân gói 62.000 tỷ rất chậm. Do đó, các cơ quan liên quan cần tích cực hơn để chính sách này đến với người dân càng nhanh càng tốt…

Thái Bình (thực hiện)