Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh với tấm huy chương vàng lịch sử. Ảnh: EPA/TTXVN

SEA Games chỉ là ao làng, ASIAD là sông lớn, Olympic mới thật sự là đại dương, là mơ ước vươn tới của mỗi vận động viên và mỗi một quốc gia. Olympic hiện đại đầu tiên được tổ chức vào năm 1892 theo chu kỳ 4 năm một lần và phải đến 60 năm sau đó (1952), thể thao Việt Nam mới đầu tiên được góp mặt. Còn phải hơn 100 năm tồn tại, Olympic mới lần đầu tiên vào năm 2000 xướng một cái tên Việt Nam trên bục vàng danh dự. Đó là võ sĩ Trần Hiếu Ngân với tấm huy chương bạc môn Taekwondo tại Olympic Sydney.

16 năm sau, thể thao Việt Nam mới thực sự vỡ òa niềm vui khi ở Olympic Rio 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã mang về tấm huy chương vàng lịch sử. Anh vượt qua vận động viên nước chủ nhà ở nội dung 10 mét súng ngắn nam, giành được là 202,5 điểm. Sau đó, anh giành thêm 1 huy chương bạc ở nội dung 50m súng ngắn nam. Cùng góp mặt với mặt võ sĩ Trần Hiếu Ngân và xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, còn có 2 đô cử Hoàng Anh Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn. Hoàng Anh Tuấn có huy chương vàng tại Olympic Bắc Kinh 2008. Còn Trần Lê Quốc Toàn mãi đến gần đây mới nhận được tấm huy chương đồng ở kỳ Olympic London 2012 sau khi Ủy ban Olympic Quốc tế tước huy chương của lực sĩ Valentin Hristov (Azerbaijan).

Từ khi Hiếu Ngân “phá két” đến nay, chỉ có Olympic Athens 2004, còn lại đều đặn các vận động viên Việt Nam đều có mặt ở bục vinh danh. Vậy nên, dẫu còn khiêm tốn nhưng tấm huy chương đã không còn quá xa lạ với giấc mơ Việt. Thế nhưng, xem ra một tấm huy chương không hề là chuyện dễ. Nhớ lại trường hợp của võ sĩ Nguyễn Văn Hùng ở môn Taekwondo tràn trề hy vọng với bao loại huy chương, nhưng ở đấu trường toàn “sừng sỏ” của Taekwondo thế giới là Olympic Athens 2004, Nguyễn Văn Hùng đã bị loại tại tứ kết.

Trả lời phỏng vấn báo chí trước giờ sang Nhật, ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục thể thao kiêm Trưởng đoàn thể thao Việt Nam cho biết, không được giao chỉ tiêu nhưng đoàn đăng ký với bộ phấn đấu có huy chương. Olympic Tokyo 2021 là một đại hội với rất nhiều khó khăn. Vận động viên phải có tâm lý thoải mái, hưng phấn mới có thể giành được kết quả tốt nhất. “Chúng tôi rất hy vọng các vận động viên của môn cử tạ là Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên có thể mang về huy chương cho đoàn”, ông Phấn chia sẻ.

Nhiều thách thức đang chờ. Vì nằm ở nhóm 2 nên đoàn thể thao Việt Nam phải thực hiện các quy định của ban tổ chức đại hội rất chặt chẽ về công tác phòng, chống dịch bệnh như: Phải kiểm tra COVID-19 liên tục 3 lần trong 3 ngày trước khi đoàn lên đường. Khi đến sân bay tại Tokyo đoàn phải kiểm tra COVID-19 một lần nữa và chờ có kết quả mới trở về làng VĐV. Sau khi đến làng vận động viên, đoàn phải cách ly 3 ngày tại làng và tiếp tục kiểm tra COVID-19 trong thời gian này.

Hơn 5 năm rồi đã đi qua, nhưng phút giây xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đạt huy chương vàng tại Olympic Rio 2016 vẫn khiến bao người xúc động. Tờ Telegraph (Anh) chúc mừng thể thao Việt Nam: “Ôi Việt Nam! Họ đã giành huy chương vàng. Và đó là lần đầu tiên trong lịch sử”. Còn Hoàng Xuân Vinh thì không giấu được cảm xúc: “Tấm huy chương vàng này là thành tựu to lớn không chỉ với tôi mà với cả đất nước, với tất cả người Việt Nam. Tôi hy vọng chiến thắng hôm nay sẽ kích thích thêm đam mê với môn bắn súng thể thao của thế hệ trẻ Việt Nam”.

Tôi đã nghĩ tới tấm huy chương như một báu vật quốc gia và hy vọng sẽ có thêm báu vật ở đất Nhật kỳ Olympic này.

Đan Duy