Hoàng Đăng Nhuận (1997)

Tôi gặp anh Hoàng Đăng Nhuận hơi muộn so với Bửu Chỉ - một tài năng hội họa khác của xứ Huế. Bởi Bửu Chỉ có “dính dáng” với Báo Tuổi Trẻ từ những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất, qua các minh họa bút sắt đặc trưng của anh. Khi Bửu Chỉ sang Paris triển lãm tại Nhà Việt Nam năm 1988, anh còn gửi các bài viết cho Tuổi Trẻ Chủ Nhật dưới dạng những lá thư kể chuyện Kinh đô Ánh Sáng.

Mãi đến cuộc triển lãm chung Bửu Chỉ - Hoàng Đăng Nhuận tại gallery Vĩnh Lợi tháng 10/1997, tôi mới làm quen với tác giả của những “Phố má hồng, Phố chờ, Phố hẹn, Phố kỷ niệm, Cỏ lau bên thành cổ, Địa chỉ của những cô gái đa tình”… được trưng bày ở phòng tranh. Kiệm lời hơn người bạn thân cùng triển lãm, Hoàng Đăng Nhuận nhẹ nhàng, khoan hòa và từ tốn. Vẫn cứ cung cách như thế ở nhiều lần gặp nhau sau này, khi tại Sài Gòn lúc ở Huế.

Tranh Hoàng Đăng Nhuận vẽ năm 2013

Đến phòng tranh ở gallery Vĩnh Lợi, một thời là không gian trưng bày đình đám của TP. Hồ Chí Minh (tiếc rằng nay đã không còn), do đã xem nhiều tranh Bửu Chỉ nên tôi “thiên vị” hơn với mảng tranh của Hoàng Đăng Nhuận, để rồi ngạc nhiên trước tác phẩm của một họa sĩ thành danh nhờ tự học. Những phố - nhà có khi đa sắc, lúc lại thật kiệm màu, những mảng tường lênh loang rêu, những phế tích thành cổ chìm khuất trong cỏ lau, được thể hiện bằng phong cách rất riêng quả là có sức thuyết phục một kẻ lần đầu tiên được thưởng lãm. Loạt tranh phố trong triển lãm và nhiều bức phố khác sau này đã làm nên một thương hiệu “phố Nhuận”, mà theo cách nhìn của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì “Phố Nhuận vắng mà không buồn, chói lọi mà không phơi bày, khép và mở một thế giới nội tâm dành riêng, thế giới đầy mộng mơ và khát vọng những ngày người ta còn trẻ”.

Một người Huế sống xa quê nhưng tâm hồn “rất Huế” là giáo sư Cao Huy Thuần nhận định: “Có thể không khí cổ kính của Huế đã ảnh hưởng đậm đà trên tâm hồn Nhuận. Nhưng cũng có thể con người cô đơn của Nhuận chỉ có thể gặp tri kỷ nơi những bóng dáng phai tàn của lịch sử… Hoàng Đăng Nhuận là tri kỷ của phế tích” (viết năm 1990, nhân triển lãm của Hoàng Đăng Nhuận tại trụ sở UNESCO ở Paris).

Không gian nghệ thuật Hoàng Đăng Nhuận ở Chiêu Ê

Trong số những lần gặp anh Nhuận, in dấu đậm nét trong ký ức của tôi là vào ngày khai mạc triển lãm của họa sĩ Võ Xuân Huy tại Huế tháng 2/2006. Ở đó, anh đã chia sẻ cảm nhận về nhiều bức sơn mài mà cách tạo hình và thủ pháp kỹ thuật gây được ấn tượng, cũng như cách tổ chức phòng tranh rất công phu.

Từ sau ngày chủ nhân gallery Chiêu Ê chịu nỗi đau vì tai biến nặng, mỗi khi có dịp ra Huế tôi lại đến thăm anh. Lần cuối cùng tôi gặp anh là một ngày cuối tháng 7/2017. Như những lần trước, vừa thấy tôi bước vào phòng, anh Nhuận thốt ngay: “Chức đó hả”. Hôm ấy, anh kể về những người bạn của anh mà tôi cũng thân thiết hay quen biết như các anh Đinh Cường, Lê Tài Điển (họa sĩ sống ở Paris)…, về những cơn đau dai dẳng vẫn phải chịu đựng mà vẫn không ngừng vẽ, và nhắc nhớ những kỷ niệm về phòng tranh ở gallery Vĩnh Lợi. Trước khi chia tay, Hoàng Đăng Nhuận đã ký tặng tôi tập sách in những tác phẩm được anh vẽ những ngày còn khỏe mạnh. Dừng lại rất lâu trước những bức tranh anh vẽ sau ngày bạo bệnh, tôi nhớ những lời anh viết trong vựng tập của triển lãm chung với Bửu Chỉ: “Sáng tạo nghệ thuật với tôi là một đời nỗ lực hụt hơi, không bao giờ cảm thấy yên tâm thỏa mãn”.

Cuối tháng 8/2011, tôi nhận được món quà quý từ Huế gửi vào: Một bức tranh của Hoàng Đăng Nhuận với chữ ký năm 2006. Kỷ niệm ấy đã vừa tròn mười năm.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRỌNG CHỨC