Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thăm hỏi, tặng quà động viên gia đình chính sách. Ảnh: THÁI BÌNH

Trong thư gửi Ban Thường trực, Ban tổ chức ngày Thương binh liệt sĩ lần đầu tiên (27/7/1947), Bác Hồ viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con thân thiết bị đe dọa, của cải, ruộng vườn, nhà cửa, ao vườn, làng mạc bị nguy ngập, ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để gìn giữ đất nước của chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số đã thành ra thương binh”.

Hay, trong lời kêu gọi nhân Ngày Thương binh liệt sĩ (1948), Người ngậm ngùi chia sẻ: “Ngày nay bố mẹ đã mất người con yêu quý, vợ trẻ trở nên góa bụa. Con dại trở nên mồ côi. Tay chân tàn phế của thương binh không mọc lại được. Nhưng máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ muôn đời lưu truyền với sử xanh. Cho nên, đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”.

Xuất phát từ tấm lòng và lời căn dặn của Bác, trong suốt 74 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế luôn nỗ lực thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, các Mẹ VNAH, người có công cách mạng. Toàn tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sĩ, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Viettel Thừa Thiên Huế thay hoa mới tại nghĩa trang liệt sĩ nhân ngày 27/7. Ảnh: MC

Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, hàng tháng có hơn 19 ngàn lượt người có công được nhận trợ cấp ưu đãi, trong đó có hơn 1 vạn thương binh, thân nhân liệt sĩ và hơn 50 Mẹ VNAH còn sống được nhận trợ cấp, phụng dưỡng. Cùng với đó, hàng năm, ngành thương binh xã hội tỉnh còn tổ chức điều dưỡng, thăm khám luân phiên cho hàng ngàn lượt đối tượng chính sách trên toàn tỉnh tại Trung tâm Điều dưỡng người có công ở TP. Huế và thị trấn Lăng Cô, với chi phí trên 15 tỷ đồng.

Suốt nhiều năm qua, toàn tỉnh đã tìm kiếm, phát hiện và quy tập trên 31.000 hài cốt liệt sĩ từ khắp các chiến trường, đưa về an táng tại 65 nghĩa trang trong toàn tỉnh, hoàn thành hơn 20 công trình ghi công liệt sĩ và đang tiếp tục nâng cấp, chỉnh trang các công trình còn lại. Phong trào xây dựng nghĩa trang liệt sĩ và đài tưởng niệm đã được tiến hành rộng rãi. Đến nay, ngoài 9 huyện, thị xã và thành phố đã có nghĩa trang liệt sĩ được xây dựng quy mô, thì hầu hết các địa phương phường xã, thị trấn đều có đài liệt sĩ và bia tưởng niệm. Việc xây dựng, tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ có ý nghĩa lớn trong đời sống văn hóa - tinh thần của Nhân dân.

Những năm gần đây, Thừa Thiên Huế luôn là địa phương thực hiện tốt Pháp lệnh Người có công, phát động nhiều phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Phụng dưỡng Mẹ VNAH”, “Xây dựng nhà tình nghĩa”, nhận sự ủng hộ, đóng góp tiền của từ các tổ chức, ban ngành, đoàn thể và các cá nhân...

Tính đến nay, toàn tỉnh đã xây mới và sửa chữa trên 1.000 ngôi nhà cho các đối tượng chính sách với kinh phí gần 200 tỷ đồng; nhận phụng dưỡng các Mẹ VNAH đang còn sống, tặng sổ tiết kiệm cho gia đình các thương binh liệt sĩ và các đối tượng có công với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Những việc làm tình nghĩa nói trên đã bù đắp phần nào sự mất mát, hy sinh của bản thân cùng gia đình họ, đáp ứng lời căn dặn của Bác Hồ: “Phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”, nhằm “Bảo đảm cho những người có công với đất nước và cách mạng luôn có đời sống vật chất và tinh thần ổn định, ít nhất bằng mức sống trung bình của Nhân dân.”

NGUYỄN ĐÌNH DŨNG