Ngôi sao quần vợt Nhật Bản Naomi Osaka thực hiện nhiệm vụ thắp sáng đài đuốc Olympic Tokyo 2020 ở Sân vận động Quốc gia Nhật Bản. Ảnh minh họa: Getty/Báo Pháp Luật 

Bị trì hoãn 1 năm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Thế vận hội năm nay sẽ được diễn ra mà không có cổ động viên tham gia cổ vũ cho các vòng thi, nhất là trong bối cảnh Tokyo – nơi diễn ra sự kiện thể thao này đang trong tình trạng khẩn cấp bởi đại dịch. Cùng lúc đó, các nước khác trên toàn thế giới cũng đang đấu tranh với số ca nhiễm bệnh ngày càng tăng.

Trong khuôn khổ buổi lễ, các vận động viên phần lớn đều đeo khẩu trang đã tiến hành lễ diễu hành tại Sân vận động Quốc gia Nhật Bản trong không khí im lặng. Trong hành trình diễu hành quanh sân vận động, ngọn đuốc đã được truyền tay từ các nhà vô địch Olympic đến các huyền thoại bóng chày – một bác sĩ và y tá – một vận động viên Paralympic và trẻ em từ các vùng ở Nhật Bản chịu ảnh hưởng nặng nề bởi trận động đất và sóng thần vào năm 2011 trước khi đến tay Naomi Osaka.

“Bài học mà chúng tôi rút ra là chúng ta cần đoàn kết hơn, cụ thể là đoàn kết hơn giữa các xã hội và đoàn kết hơn ngay trong các xã hội”, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach nhận định.

Thông thường, lễ khai mạc sẽ bao gồm màn trình diễn với sự tham gia của các ngôi sao và những người nổi tiếng. Song năm nay, chỉ hơn 1.000 người tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Tokyo, kết hợp với các quy tắc giãn cách xã hội nghiêm ngặt và những dấu hiệu kêu gọi khán giả trên khán đài “im lặng”.

Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Olympic Tokyo Seiko Hashimoto chia sẻ: “Với tình hình thế giới đang trong tình trạng khó khăn bởi đại dịch COVID-19, tôi xin bày tỏ sự kính trọng và lòng biết ơn đến các nhân viên y tế và tất cả những người đang nỗ lực vượt qua khó khăn”.

Đan Lê (Lược dịch từ Reuters)