Thì ra để có một Hải Vân, trước đó Thừa Thiên Huế đã có đèo bé Phú Gia thấp đến mức không hẳn gọi là đèo, tới đèo nhỏ Phước Tượng tạo thế cho một “đệ nhất hùng quan”. Rồi cả ba lưu lại, găm sâu trong tâm trí người đời xứ Huế gắn liền với hình ảnh của một xứ đèo. Dạo còn bé tý, ba ốm nặng (và sau đó vĩnh viễn ra đi) nằm viện ở Đà Nẵng, mạ tôi phải thường xuyên vào ra xứ sở sông Hàn. Đi bằng loại xe Phi Long, khi chật khách thì phía sau oằn xuống và xe chạy như nhún nhẩy. Mạ sợ lắm, bà kể cho tôi nghe và bắt đầu từ đó tôi biết đến nỗi sợ khi vượt phải đèo chồng lên đèo, nhất là trong tháng ngày đông giá, đường trơn, dốc mù và xe lầm lũi, mò mẫm qua đèo.

Đã có quá nhiều lời bàn về Hải Vân. Nó hùng vĩ bởi trên đỉnh đèo xưa kia có cả một cửa ải nên còn gọi là đèo Ải Vân; đầy lãng mạn và huyền bí khi cũng trên đỉnh đèo thường có mây che phủ nên còn gọi là đèo Mây. Và nữa Hải Vân như một sự tận cùng và sừng sững khi là một phần của dãy Trường Sơn chạy ra sát biển, cắt ngang dãy Bạch Mã Sơn, dài đến 20 cây số và cao tới 500 mét so với mặt nước biển. Để rồi, chưa có đèo nào ở đất nước Việt Nam có được cái thế như Hải Vân, là “hàng rào” phân chia khí hậu giữa hai miền nam - bắc. Ai đó xa Huế, trở lại chốn xưa vào một ngày đông như hôm nay mới thấm thía về sự ngăn cách và khác biệt được tạo dựng nên bởi Hải Vân, khi mà vừa qua ra khỏi đèo đã phải vội để lại ở phía đằng sau những tia nắng yếu ớt của ngày đông và đón nhận ngay mưa rơi cùng cái lạnh buốt giá tim can của xứ Huế mình.

Những con đèo tiếp nối là Phước Tượng, Phú Gia không dữ dằn và dựng đứng như Hải Vân lại là một bổ sung về hình ảnh của những con đèo xứ Huế. Cứ thử tưởng tượng sau khi đã gồng mình, tập trung trí lực vượt đèo Hải Vân, những con đèo còn lại như Phước Tượng hay Phú Gia nào có khác chi con dốc. Vậy nhưng, hiểm nguy lại nằm ở tâm lý có phần thư giãn kia, nhất là khi con đèo Phước Tượng chẳng hạn, tuy thấp hơn, nhỏ hơn với chặng đường cũng ngắn hơn nhưng hẹp, ngoằn ngoèo, rẽ ngoặt và với độ dốc nghiêng khá lớn lại tiềm ẩn không kém về bao điều nguy hiểm và chết chóc.

Cách nay 10 năm, hầm đường bộ Hải Vân, quy mô và hiện đại bậc nhất Đông Nam Á được khánh thành và đưa vào sử dụng. Lần đầu đi Đà Nẵng không còn trên con đèo dựng đứng và quanh co, mà bằng cách chui vào hầm có ánh sáng đèn điện, tôi bất chợt nhớ lại câu ca: “Đường bộ thì sợ Hải Vân/ Đường thủy thì sợ sóng thần Hang Dơi”. Cái tâm trạng thanh thản và nhẹ nhàng ấy sau 10 năm lại như được sống lại khi có thêm hầm đèo Phước Tượng - Phú Gia không bao lâu nữa cũng sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vậy là nỗi sợ Hải Vân, nỗi sợ những con đèo xứ Huế có từ bao đời nay, thôi nhé từ nay chỉ còn là hoài niệm.

Khi mà lo âu và sợ hãi không còn thì đèo ở xứ Huế là một khám phá thú vị. Vẫn còn đó, những con đường đèo của ngày xưa ấy. Lên với đèo Hải Vân vào những ngày đẹp trời, ta có thể thấy cả những bãi cát vàng chạy dài ôm lấy mặt nước bao la trong xanh của biển. Sự hấp dẫn gắn liền với nhiều công trình lịch sử trên đỉnh đèo Hải Vân mà tiêu biểu là Hải Vân Quan, được xây dựng từ đời nhà Trần và được trùng tu vào thời Minh Mạng thứ 7 (1826). Còn hành trình đến với Phước Tượng, ta sẽ được phóng mắt về phía đầm nước biếc xanh. Những chiếc thuyền cong như những chiếc lá khô bồng bềnh trên mặt nước. Con dưới chân đèo như nét kẻ dọc chia hai nửa không gian, bên núi và bên đầm. Những xóm chài nhỏ bên đầm bình dị tô điểm cho bức tranh thiên nhiên và con người thêm phần sinh động, đáng yêu.

Đình Nam