Các giao dịch viên thông qua việc tư vấn chuyển khoản góp phần phát hiện các giao dịch có yếu tố lừa đảo

Khách hàng phải tỉnh táo

Cô bạn thời đại học vừa đăng dòng cảm xúc trên facebook với nội dung là một đoạn trò chuyện giữa một đối tượng lừa đảo (đánh cắp tài khoản facebook của một người bạn thân) nhờ chuyển khoản 2 triều đồng vào tài khoản lạ. Vì là bạn thân nên cô bạn cũng không nghi ngờ gì mà nhờ chị cùng cơ quan chuyển khoản cho đối tượng. Khi biết được sự việc, chị đồng nghiệp khuyên cô nên gọi điện xác minh lại xem có thật là bạn mượn tiền không rồi mới chuyển. Lúc đó, cô mới tá hỏa không phải bạn cô có nhu cầu mượn tiền mà facebook bị kẻ xấu đánh cắp thông tin.

Sau 1 phen hú hồn, cô bạn chốt: “Nếu mình không tỉnh táo có lẽ vừa bị mất tiền oan, vừa mất luôn cả bạn”.

Đó cũng chỉ là một trong số những chiêu thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tài khoản ngân hàng.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa đưa ra cảnh báo tình trạng giả mạo thương hiệu ngân hàng gửi tin nhắn lừa đảo. Theo Vietcombank, hiện nay xuất hiện hình thức mạo danh Vietcombank thông báo tài khoản khách hàng đã bị khóa và lừa khách hàng bấm vào đường link giả mạo để đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng của khách hàng, nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Các đối tượng thường giả mạo đường link chỉ sai khác một vài ký tự hoặc chi tiết dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng và khẳng định Vietcombank chỉ có duy nhất địa chỉ website tại đường dẫn: https://vietcombank.com.vn.

Phó Giám đốc Vietcombank Huế, bà Nguyễn Thị Thanh Hiền chia sẻ, Vietcombank Huế đang phối hợp với lực lượng công an để điều tra và áp dụng các biện pháp nhằm sớm ngăn chặn phương thức lừa đảo này. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cảnh báo người dân, các giao dịch viên chủ động nắm bắt nhu cầu chuyển tiền tại quầy của khách hàng để kịp thời phát hiện các trường hợp lừa đảo.

Bà Hiền khuyến cáo, ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh tin nhắn SMS, email, phần mềm chat (zalo, viber, facebook messenger…). Khách hàng hãy xóa và tuyệt đối không bấm vào đường link khi nhận được các thông tin dạng này. Trường hợp đã bấm vào đường link và tiết lộ thông tin, khách hàng nên chủ động thực hiện các biện pháp khẩn cấp gồm khóa dịch vụ trên các kênh trực tuyến; đổi mật khẩu của dịch vụ đã cung cấp thông tin cho kẻ gian; gọi điện ngay cho ngân hàng và chủ động trình báo vụ việc tới cơ quan công an trong trường hợp bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Đa chiêu thức

Ngoài Vietcombank, các ngân hàng khác cũng đều lên tiếng cảnh báo các chiêu thức lừa đảo thông qua tài khoản ngân hàng, nhất là ngân hàng điện tử. Và mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh đã có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, thông tin về một số phương thức, thủ đoạn phổ biến mà tội phạm đang sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền tài khoản ngân hàng.

Theo đó, đối tượng có thể mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho khách hàng với lý do hỗ trợ kiểm tra số dư và giao dịch của khách hàng. Sau khi đọc tên khách hàng và 6 số đầu tiên của thẻ ghi nợ nội địa, đối tượng yêu cầu khách hàng đọc nốt dãy số còn lại trên thẻ để xác nhận khách hàng đúng là chủ thẻ; sau đó, thông báo ngân hàng sẽ gửi tin nhắn cho khách hàng và yêu cầu khách hàng đọc mã 6 số trong tin nhắn (thực chất là mã OTP để thực hiện giao dịch thanh toán trực tuyến). Nếu khách hàng thực hiện theo yêu cầu của đối tượng thì có thể mất tiền trong tài khoản thẻ.

Đối tượng cũng có thể chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của khách hàng, sau đó mạo danh ngân hàng gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn cho khách hàng thông báo giao dịch chuyển tiền bị treo và yêu cầu khách hàng truy cập vào đường link trong tin nhắn để tra soát giao dịch, xác nhận thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền... nhằm lừa đảo khách hàng cung cấp các thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử (như tên truy cập, mật khẩu, OTP), sau đó chiếm quyền kiểm soát tài khoản của khách hàng.

Các đối tượng lừa đảo còn lập trang web mạo danh ngân hàng, gửi thư điện tử giả mạo ngân hàng để tiếp nhận và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về sản phẩm dịch vụ của ngân hàng, nhằm thu thập thông tin cá nhân, lịch sử giao dịch và tài khoản ngân hàng. Mạo danh công ty tài chính mời khách hàng vay vốn, hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động (như ứng dụng Auto Cash...) để giải ngân một khoản tiền “ảo” kèm theo việc hiển thị hợp đồng tín dụng với con dấu giả, chữ ký giả của người có thẩm quyền của công ty tài chính nhằm lừa đảo khách hàng chuyển khoản đặt cọc để chiếm đoạt.

Đối tượng còn mạo danh nhân viên nhà mạng liên hệ và đề nghị hỗ trợ chuyển đổi sim 3G thành sim 4G qua điện thoại. Nếu khách hàng làm theo hướng dẫn, đối tượng sẽ chiếm đoạt được quyền sử dụng số điện thoại, có được thông tin cá nhân và số điện thoại di động. Trường hợp số điện thoại được khách hàng đăng ký sử dụng ngân hàng điện tử và nhận thông tin giao dịch, mã OTP thì có thể gây rủi ro mất tiền trên tài khoản .

Để bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, NHNN chi nhánh tỉnh đề nghị các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chủ động nắm bắt, cập nhật phương thức, thủ đoạn tội phạm để kịp thời cảnh báo rủi ro cho khách hàng; cảnh giác trước những thủ đoạn tội phạm mới và bảo đảm an toàn tiền, tài sản của khách hàng. Đồng thời, NHNN chi nhánh tỉnh cũng đề nghị các cơ quan trên địa bàn truyền thông đến người dân, cán bộ… để nắm bắt những thủ đoạn lừa đảo khi thực hiện giao dịch tài chính.

Bài, ảnh: Hoàng Anh