Các thủ tục hành chính được thực hiện trên môi trường mạng
Lợi đôi đường
Trước đây, hệ thống ứng dụng quản lý thuế được triển khai phân tán, cơ quan thuế các cấp phải ứng dụng từng hệ thống riêng biệt, khác nhau nên không có sự đồng nhất về số liệu kê khai, nộp thuế, nợ thuế… của người nộp thuế (NNT), dẫn đến có sự sai lệch số liệu giữa các bộ phận của cơ quan thuế. Từ năm 2018, cơ quan thuế triển khai phần mềm quản lý thuế tập trung (TMS) từ cục thuế đến các chi cục và về tận các đội thuế, giúp cán bộ thuế thực hiện tốt công tác quản lý thuế trên địa bàn.
Sau khi triển khai, hệ thống TMS đã thay thế nhiều ứng dụng hỗ trợ công tác quản lý thuế phân tán tại cục thuế, các phòng và cấp chi cục, đáp ứng được toàn bộ các khâu xử lý dữ liệu cho các quy trình nghiệp vụ đăng ký thuế, quản lý hồ sơ, quản lý và xử lý kê khai, quyết toán thuế, kế toán thuế nội địa, quản lý nợ thuế…
Ông Lê Văn Dũng, Đội trưởng Đội Quản lý thuế liên phòng số 1, Chi cục Thuế TP. Huế chia sẻ, ứng dụng TMS hỗ trợ đắc lực cho đơn vị, cán bộ thuế trong quy trình nghiệp vụ quản lý thuế. Đơn cử trong việc quản lý nợ, ứng dụng giúp cán bộ quản lý nợ thực hiện đầy đủ các công việc từ phân công thu nợ, phân loại nợ, tính tiền chậm nộp, chốt số liệu nợ theo kỳ kế toán của NNT… mà không cần phải đến tận chi cục để nắm các số liệu liên quan.
Hiện, ngành Thuế đã xây dựng được hệ thống quản lý thuế tích hợp và môi trường làm việc tích hợp. Hệ thống máy chủ xử lý tập trung của ngành Thuế được quy hoạch chi tiết, rõ ràng theo chức năng như: chức năng dịch vụ quản lý dữ liệu, chức năng ứng dụng, chức năng trao đổi dữ liệu với cấp dưới và đơn vị ngoài, chức năng cung cấp dịch vụ mail exchange, kết nối dịch vụ internet...
Hạ tầng máy chủ liên tục được cập nhật các công nghệ mới như: triển khai các hệ thống điện toán đám mây, ảo hóa hạ tầng máy chủ tại Trung tâm Dữ liệu Tổng cục Thuế và cục thuế, linh hoạt trong việc cấp phát và thu hồi tài nguyên hệ thống. Hệ thống mạng internet với tốc độ cao cũng được triển khai kết nối từ cục thuế đến chi cục và các đội trực thuộc đảm bảo đáp ứng yêu cầu truyền nhận dữ liệu, triển khai ứng dụng quản lý thuế xử lý tập trung, khai nộp thuế điện tử.
Theo ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Huế, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT giúp ngành Thuế đáp ứng được yêu cầu quản lý thuế hiện đại, phục vụ tốt nhất cho người dân, DN. Việc triển khai những dịch vụ thuế điện tử giúp DN giảm thời gian đi lại nộp hồ sơ; thông tin khai, nộp thuế của DN được lưu trên hệ thống của cơ quan thuế có thể được tra cứu lại dễ dàng giúp giảm chi phí quản lý, DN cũng không phải cung cấp lại thông tin cho cơ quan quản lý đối với những hồ sơ điện tử đã nộp tới cơ quan thuế.
Tính đến cuối tháng 6/2021, đã có 99,7% số DN đang hoạt động tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử. Tỷ lệ đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử đạt 99% trên tổng số DN đang hoạt động. Chi cục Thuế TP. Huế phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh; văn phòng đăng ký đất đai… trao đổi thông tin theo phương thức điện tử giúp giảm thời gian xử lý TTHC, mang lại lợi ích thiết thực cho NNT.
Hướng đến thủ tục hành chính không tiếp xúc
Việc đầu tư hạ tầng CNTT không chỉ hỗ trợ tốt cho công tác quản lý nội ngành, hệ thống ứng dụng CNTT mà còn phục vụ tốt cho người dân và DN. Ngành Thuế đã xây dựng cổng điện tử và kê khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế trực tiếp qua mạng, hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn giấy; nâng cấp hệ thống trang web để làm tốt việc công khai chính sách, chế độ, TTHC về thuế; cung cấp phần mềm hỗ trợ kê khai thuế miễn phí cho DN và NNT…
Bà Âu Thị Nguyệt Liên, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ NNT, Cục Thuế tỉnh thông tin, ngành Thuế đang triển khai tốt hệ thống dịch vụ thuế điện tử (Etax), ứng dụng 4.0 trong công tác triển khai hóa đơn điện tử, công nghệ chatbot trong công tác hỗ trợ NNT... giúp DN giảm thời gian đi lại khi thực hiện các TTHC thuế, nộp thuế. Hiện, DN đăng ký hệ thống dịch vụ thuế điện tử (eTax), kê khai nộp thuế qua mạng đạt tỷ lệ 100%. Cục Thuế tỉnh xây dựng nền tảng dữ liệu, kết nối trao đổi thông tin liên thông giải quyết TTHC giữa các sở, ban ngành,… nhằm giải quyết TTHC nhanh chóng cho NNT. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện quy chế liên thông về hỗ trợ chữ ký số công cộng/hóa đơn điện tử cho DN. Tích hợp nhiều TTHC lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, điển hình tạo điều kiện cho NNT thực hiện TTHC thuế nhanh chóng, thuận tiện.
Thời gian tới, ngành Thuế tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, rà soát và đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực thuế, tập trung xây dựng các phần mềm ứng dụng tích hợp để DN, NNT thực hiện các nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong môi trường thuế điện tử, tập trung nghiên cứu giảm thời gian nộp thuế, giảm hồ sơ, giấy tờ và chi phí thực hiện TTHC liên quan trực tiếp tới người dân, DN. Không ngừng tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành; tiếp tục xây dựng và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với các TTHC thuộc lĩnh vực quản lý. Đồng thời, tiếp tục mở rộng triển khai các dịch vụ: khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà, nộp thuế điện tử lệ phí trước bạ, thuế TNCN đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho NNT. Đảm bảo triển khai có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 – 2030, bà Liên cho hay.
Bài, ảnh: Hoàng Anh