Đối với Thừa Thiên Huế, trong khi việc đón và đưa người từ TP. Hồ Chí Minh và các vùng có dịch khác đang được tiến hành một cách cẩn trọng, với tiêu chí đặt ra là đảm bảo an toàn và an ninh y tế cho cả người về và cộng đồng… thì nguy cơ lớn nhất được nhận diện là ở lượng người tự di chuyển từ vùng dịch về bằng phương tiện xe máy. Vẫn biết đây là thế chẳng đặng đừng, người dân cũng đã rất nhọc nhằn khi phải di chuyển liên tục không dừng theo yêu cầu khi qua các địa phương, nhưng việc đi theo từng nhóm lớn, thậm chí là từng đoàn đã được đánh giá là có nhiều nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh.

Theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng trong mấy ngày qua, có thể nhận thấy những hình ảnh thật thương khi người dân về đến chốt kiểm soát y tế ở chân đèo Hải Vân, chỉ mong muốn được xem xét và được vào khu cách ly để có thể nghỉ ngơi, được ngủ sau nhiều giờ ròng rã trên đường. Hình ảnh những đoàn xe được cảnh sát giao thông dẫn đường và khóa chốt khi đi qua địa phận Thừa Thiên Huế để ra Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An vừa mang đến sự xúc động, nhưng mặt khác cũng cho thấy tiềm ẩn nguy cơ lây lan nếu có những ai đó đã mang vi rút trong người.

Vẫn đón nhận, tạo mọi điều kiện trong việc test nhanh để phân loại, tổ chức cách ly cho những người trở về theo hình thức tự phát, không đăng ký, nhất là người trở về từ những vùng có dịch, vùng đang thực hiện Chỉ thị 16, cộng với các biện pháp cao hơn nhưng phải rà soát các nguy cơ, chủ động các giải pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh là vấn đề mấu chốt mà Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của tỉnh đặt ra cho các thành viên trong cuộc giao ban trực tuyến vào sáng 26/7.

Bên cạnh việc sẵn sàng kích hoạt các khu cách ly tập trung tận huyện, xã; có kịch bản chủ động ứng phó nếu diễn tiến tình hình phức tạp cả về cơ sở vật chất, lực lượng tham gia; thành lập các tổ hậu cần để triển khai nhanh và có hiệu quả nhất trước các vấn đề phát sinh, đảm bảo đời sống và an ninh sức khỏe cho người dân... chúng ta có thể nhận thấy, ý thức phòng vệ của người dân chính là một phòng tuyến quan trọng nhất để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, lây lan.

Ý thức này không chỉ ở việc người trở về khai báo y tế trung thực, thực hiện đúng các nguyên tắc phòng dịch mà còn ở việc mỗi người dân phải là một “cứ địa” đảm bảo an toàn cho khu vực mình sinh sống và cho cộng đồng trong việc phát hiện, vận động người trở về từ vùng có dịch thực hiện các biện pháp y tế và cách ly. Có lẽ, đó cũng là một “vành đai” quan trọng để đảm bảo an toàn cho cộng đồng trước các nguy cơ xâm nhập, lây lan của SARS-CoV-2 với biến thể nguy hiểm của nó.

Yên Minh