Cụ thể, IMF vẫn duy trì dự báo tăng trưởng toàn cầu 6% cho năm 2021, không thay đổi so với triển vọng trước đó, nhưng cơ cấu đã thay đổi khi Mỹ và các nền kinh tế giàu có khác được nâng cấp triển vọng, trong khi dự báo tăng trưởng của các nước đang phát triển bị cắt giảm.

 IMF duy trì dự báo tăng trưởng toàn cầu 6% cho năm 2021. Ảnh: Getty Image

IMF cũng ước tính đại dịch đã làm giảm thu nhập bình quân đầu người ở các nền kinh tế tiên tiến khoảng 2,8%/năm trong giai đoạn 2020-2022, so với mức thiệt hại bình quân đầu người 6,3%/năm ở các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển (ngoại trừ Trung Quốc).

Sự khác biệt chủ yếu dựa trên khả năng tiếp cận vaccine COVID-19 cao hơn và các chính sách hỗ trợ tài chính tiếp tục được duy trì ở các nền kinh tế tiên tiến, trong khi các thị trường mới nổi gặp khó khăn ở cả 2 khía cạnh trên, IMF cho biết trong bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới ngày 27/7.

“Gần 40% dân số ở các nền kinh tế tiên tiến đã được tiêm phòng đầy đủ, so với chỉ 11% ở các nền kinh tế thị trường mới nổi, và một phần nhỏ ở các nước đang phát triển có thu nhập thấp”, bà Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF, cho hay. Theo bà, tỷ lệ tiêm chủng ​​và trở lại bình thường nhanh hơn dự kiến đã dẫn đến sự điều chỉnh tăng ở các nước phát triển, trong khi việc thiếu khả năng tiếp cận với vaccine và các làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới ở một số quốc gia, đặc biệt là Ấn Độ, đã dẫn đến việc hạ dự báo tăng trưởng.

IMF đã tăng đáng kể dự báo đối với Mỹ lên mức 7% vào năm 2021 và 4,9% vào năm 2022 - tăng lần lượt 0,6 và 1,4 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng Tư, với dự đoán rằng Quốc hội Mỹ sẽ thông qua kế hoạch chi tiêu khoảng 4 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden cho cơ sở hạ tầng, giáo dục và hỗ trợ gia đình.

Sự lan tỏa tích cực từ các kế hoạch chi tiêu của Mỹ, cùng với tiến độ dự kiến ​​trong tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, đang thúc đẩy dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 của IMF lên 4,9%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

IMF có sự điều chỉnh tăng lớn nhất đối với Anh khi nâng mức tăng trưởng năm 2021 của nước này lên 7%, tăng 1,7 điểm phần trăm, phản ánh sự thích ứng tốt hơn với các hạn chế của COVID-19 so với dự đoán trước đây. Trong khi đó, khu vực đồng euro có dự báo tăng trưởng tăng 0,2 điểm phần trăm trong năm 2021. 

Ngược lại, Ấn Độ - quốc gia phải vật lộn với làn sóng lớn các ca nhiễm COVID-19 trong năm nay, đã chứng kiến ​​mức điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng lớn nhất - 3 điểm phần trăm - xuống còn 9,5% trong năm 2021. IMF cũng giảm 0,3 điểm phần trăm dự báo năm 2021 đối với Trung Quốc, do sự sụt giảm trong quy mô đầu tư công và hỗ trợ tài chính tổng thể.

IMF hạ dự báo tăng trưởng đối với Malaysia và 4 quốc gia Đông Nam Á khác do sự bùng phát mạnh làn sóng COVID-19 ở đây. Ảnh: Reuters/Baoquocte

Đối với các nước ASEAN, IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, nơi các đợt lây nhiễm COVID-19 gần đây đang đè nặng hoạt động của mỗi nước. Dự báo của IMF cũng cho thấy các nước châu Á mới nổi sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm nay, giảm 1,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4.

Các quốc gia có thu nhập thấp cũng bị cắt giảm 0,4 điểm phần trăm trong dự báo tăng trưởng năm 2021, trong đó việc triển khai vaccine chậm được xem là yếu tố chính cản trở sự phục hồi.

Lo ngại lạm phát

Dư chấn từ cuộc biến động năm ngoái đặt ra những thách thức chính sách khác thường. Nhu cầu gia tăng và các nút thắt trong chuỗi cung ứng đang gây áp lực lên giá. Tuy nhiên, bà Gopinath cho rằng áp lực lạm phát chỉ là tạm thời do “cung cầu không khớp nhau” khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, do đó chỉ số lạm phát sẽ ở mức cao trong năm nay và dự kiến ​​sẽ giảm xuống mức trước đại dịch vào năm 2022 ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến.

Mặc dù vậy, nếu tình trạng tắc nghẽn nguồn cung kéo dài, chúng có thể khiến những dự báo về lạm phát trở nên không kiểm soát được trong năm tới, và đây sẽ là một điều đáng lo ngại, nhà kinh tế trưởng Gopinath cảnh báo.

Ngoài ra, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đánh giá lại triển vọng lạm phát và thực hiện các hành động trước để thắt chặt chính sách tiền tệ, thì điều này sẽ giáng một đòn kép cho các thị trường mới nổi.

Những rủi ro khác

IMF cho biết vẫn còn nhiều các rủi ro đáng lo ngại trên toàn cầu, trong đó có khả năng xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 rất dễ lây lan, dẫn đến các hạn chế mới về di chuyển và hoạt động kinh tế.

Trong một kịch bản ảnh hưởng đến cả các thị trường mới nổi và các nước tiên tiến có tỷ lệ do dự cao đối với vaccine, IMF cho rằng sự xuất hiện của các biến thể virus có khả năng lây nhiễm cao có thể làm chệch hướng sự phục hồi, khiến tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm nay và năm 2022 có thể giảm 0,8 điểm phần trăm, và thổi bay tổng cộng 4,5 nghìn tỷ USD khỏi GDP toàn cầu vào năm 2025.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ IMF & Straitstimes)