Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương (bên trái) trong 1 lần kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng thu hút nhà đầu tư tại KKT Chân Mây - Lăng Cô (Ảnh chụp thời điểm trước bùng phát dịch COVID-19)
Tăng cường xúc tiến đầu tư trực tuyến
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở KH&ĐT không ngừng nâng cao chất lượng thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư, tính sẵn sàng trong kêu gọi đầu tư, đặc biệt là khâu hậu kiểm chặt chẽ sau đầu tư. Do vậy, trong 6 tháng tỉnh đã cấp phép cho 19 dự án với tổng mức đầu tư 12.815 tỷ đồng và cấp điều chỉnh 12 dự án, trong đó tăng vốn đầu tư 4 dự án, với vốn đầu tư tăng thêm gần 300 tỷ đồng. Ngoài ra, một số nhà đầu tư lớn khác đang nghiên cứu đầu tư vào địa bàn tỉnh trong lĩnh vực đô thị, du lịch, thương mại…
Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Đại Vui cho biết, thời gian qua, sở đã hỗ trợ doanh nghiệp trưng bày, quảng bá sản phẩm tại Văn phòng Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phối hợp hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh quảng bá các chương trình, các sản phẩm đặc trưng trên các kênh truyền thông, các trang mạng xã hội. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng kế hoạch chuyển đổi hình thức xúc tiến đầu tư từ trực tiếp sang trực tuyến, tăng cường quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư năng động, quyết liệt, nhanh gọn trên các kênh sóng của truyền hình Việt Nam.
Xác định thời cơ, động lực mới
Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị Sở KH&ĐT phối hợp với các địa phương đánh giá đầy đủ tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 đối với các ngành, lĩnh vực; xác định những thời cơ mới, động lực mới cho tăng trưởng, làm cơ sở xây dựng các kịch bản tăng trưởng theo hướng đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung vào các lĩnh vực chính: đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước; hỗ trợ khôi phục, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu; quảng bá và kích cầu du lịch; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo ngành KH&ĐT phải tăng cường phối hợp, tiến hành nghiên cứu, tham mưu các giải pháp cụ thể, đi sâu vào thực trạng, vấn đề đang vướng mắc để tập trung tháo gỡ, xác định thời cơ, động lực mới theo hướng tìm nguồn lực cụ thể, chứ không chỉ phụ thuộc vào ngân sách, nhằm khơi thông dòng vốn thu hút đầu tư cho tăng trưởng.
“Để khơi thông dòng vốn thu hút đầu tư, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh tạo quỹ đất công nghiệp cùng với việc triển khai thêm một số khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng công nghệ cao, giải quyết hạ tầng giao thông. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế, chính sách phù hợp, tạo niềm tin cho nhà đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên Huế”- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở KH&ĐT nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực đổi mới sáng tạo và năng lực quản trị tiên tiến, doanh nghiệp thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0; khuyến khích đầu tư phát triển các ngành nghề sản xuất kinh doanh tạo động lực trực tiếp cho tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế như công nghệ cao, lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ; chú trọng đáp ứng nguồn nhân lực... để phát triển theo đúng mục tiêu đề ra, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Bài, ảnh: Thái Bình