Đây là phương án được đề nghị, cũng như được các doanh nghiệp lựa chọn, trong bối cảnh các ca dương tính được công bố mới vẫn ở con số vài ngàn/ngày. Mặc dù phần lớn các ca mới được phát hiện từ các khu cách ly hay khu vực đã được phong tỏa, tuy nhiên, các ca phát hiện trong cộng đồng vẫn không nhỏ. Nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng là rất cao, khi việc khoanh vùng, truy vết vẫn đang gặp khó khăn do chưa xác định được nguồn lây nhiễm.

Sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ là một chu trình khép kín tại một nhà máy/công ty/xí nghiệp/cơ sở sản xuất, nhằm đảm bảo dây chuyền sản xuất và không đứt gãy đơn hàng cho các đối tác, cũng như đảm bảo nguồn cung, không đứt gãy đối với nền kinh tế. Điều này mặc nhiên cũng tạo ra một áp lực kép đối với các doanh nghiệp. Để kích hoạt tình trạng này, các doanh nghiệp phải đảm bảo được các tiêu chuẩn cụ thể như phải được xác định là vùng an toàn, ít có nguy cơ lây nhiễm; đi kèm với việc phải có nơi lưu trú cho công nhân, đảm bảo các tiêu chí an ninh trong sinh hoạt, an toàn về thực phẩm, cháy nổ; có bộ phận y tế thường trực, hệ thống camera giám sát; lối ra vào thuận tiện. Dựa trên sự tự nguyện và thống nhất theo thỏa thuận đối với người sử dụng lao động, người lao động tham gia vào chuỗi “3 tại chỗ” này cũng phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19, tuyệt đối tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các quy định liên quan khác đã được thống nhất; đồng thời đảm bảo việc không ra khỏi khu vực sản xuất trong thời gian áp dụng phương thức “3 tại chỗ” tại nơi mà họ đăng ký làm việc.

Gọi một cách khác đi, việc tự cách ly để đảm bảo sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” hiện đang phát huy tác dụng ở các khu công nghiệp, khu kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh lân cận khác, dù đang nằm trong điểm nóng của dịch bệnh. Đây cũng là kịch bản đã được các địa phương khác trong cả nước lên phương án thực hiện, khi tình hình dịch bệnh vẫn khó kiểm soát, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg cộng với các biện pháp nâng cao đang được nhiều địa phương phía nam thực thi. Giải quyết nhanh những vấn đề phát sinh nội tại, lưu ý công tác xét nghiệm theo phương thức linh hoạt, ưu tiên bố trí nguồn vắc-xin... là những chia sẻ cần thiết của chính quyền đối với doanh nghiệp trước những áp lực khi vận hành trong trạng thái hoạt động mới.

Tại Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, đánh giá việc triển khai phương án “3 tại chỗ” của các doanh nghiệp để áp dụng trong tình huống buộc phải áp dụng, nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh .

Kịch bản, phương án đã sẵn sàng kích hoạt, song có lẽ, vấn đề quan trọng nhất khi thực hiện không chỉ ở tinh thần và sự sẵn sàng của doanh nghiệp, người lao động mà còn cần đặt ra các vấn đề cao hơn về an toàn vệ sinh lao động và sinh hoạt. Điều này cần được xem như là một tiêu chí cần và đủ ở các khu đông người lưu trú, hạ tầng vệ sinh có thể chưa thể chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng một số lượng người quá đông. Bên cạnh đó còn là vấn đề thu dọn, tiêu hủy rác thải sinh hoạt để đảm bảo môi trường lành, sạch, không cho các loại vi rút có cơ hội phát sinh.

NGUYỄN AN NHIÊN