Ở đây mới đích thị gọi là triền sông Hương. Những bãi bồi phù sa trải rộng, mùa này phủ một màu đất nâu. Chắc vào xuân, người dân sẽ trồng bắp hoặc đậu.

Mấy chục ngày nay Huế mưa suốt. Sông Hương phủ một màu trắng đục làm cho bãi bồi càng thêm sẫm màu. Chà, đất bồi phù sa này trồng gì chẳng lên xanh tốt. Hèn chi Thủy Biều chẳng mệnh danh là nhà vườn của Huế.
Tôi đã đi dọc hết bờ sông Hương ở phía hạ lưu. Cái eo “thắt lưng ong” miền Trung chẳng có mấy triền sông. Lương Quán là triền sông lớn nhất của sông Hương. Rất có thể từ xa xưa, làng Lương Quán cũng là một triền sông. Và rất có thể nhiều năm nữa, triền sông Lương Quán sẽ là làng.
Cứ mông lung rồi nghe văn vẳng một câu thơ, của nhà thơ Văn Công Hùng: “Này em gió nội hương đồng, bờ sông cây cải đã ngồng lên dưa…”. Nghe rồi lại như thấy triền sông Lương Quán trải một màu vàng rộm. Màu của hoa cải “lên ngồng”. Màu của thôn quê, dân dã, bình yên. Cũng định viết ít dòng về thanh trà Thủy Biều, Lương Quán. Nhưng vì nó đã nổi tiếng quá rồi nên viết làm chi.
Ở Huế có một triền sông nữa, hẹp hơn Lương Quán và cũng nổi tiếng nhiều - cồn Hến. Hơn ba mươi vạn dân Huế chắc không có nhiều người biết và đặt chân lên triền sông cồn Hến. Phần lớn cồn Hến đã là phố là phường. Vậy mà vẫn còn một triền sông nhỏ, cỡ vài mươi mẫu. Riêng anh Lưu đã sở hữu hơn chục mẫu. Người không biết khó mà nhìn thấy được triền sông này. Nó ở đằng đông như một mũi thuyền. Muốn đến triền sông phải qua nhiều con kiệt.
 Anh Lưu là người chăm làm, phần lớn triền sông anh dành trồng chuối. Phần còn lại với đủ sức mình, anh trồng hoa bán rằm mùng một. Hoa nở quanh năm nên cái màu vàng hoa cúc là màu tôi nhìn thấy thực chứ không cần tưởng tượng như màu vàng triền sông Lương Quán.
Có một điều làm tôi nghi ngại - hai đặc sản của cồn Hến là cơm hến và chè bắp chắc không còn nguyên bản. Bắp cồn Hến khó mà cung cấp đủ quanh năm; Hến cồn Hến cũng khó mà cung cấp đủ quanh năm với một lượng lớn đến vậy. Nhưng ở đâu thì ở, có việc gì. Đặc sản cồn Hến vẫn nổi như cồn.
Lê Phương