Người Huế tại TP. Hồ Chí Minh luôn đến sân Thống Nhất mỗi khi có đội bóng Cố đô thi đấu (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Sân Thống Nhất mùa hè 1995

Với bóng đá Huế, đó là mùa hè đẹp nhất. Không chỉ bởi chức á quân quốc gia lần đầu tiên mà còn là tình yêu bóng đá của những người Huế xa quê dành cho đội bóng. Những trận đấu của đội bóng Thừa Thiên Huế trên sân Thống Nhất lúc đó đều ken đặc khán giả với hai phần ba là cổ động viên xứ Huế đang làm ăn sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ.

Sau khi lần lượt vượt qua Lâm Đồng, Khánh Hòa, ở trận bán kết, đội bóng Thừa Thiên Huế gặp đội bóng giàu truyền thống nhất của bóng đá TP. Hồ Chí Minh là Cảng Sài Gòn. Dưới sự dẫn dắt của HLV huyền thoại Phạm Huỳnh Tam Lang, các cầu thủ Cảng Sài Gòn định hình một lối chơi đậm chất kỹ thuật, phối hợp ngắn đặc trưng. Trong đội hình của Cảng Sài Gòn lúc đó có những cầu thủ hàng đầu của Việt Nam như Đặng Trần Chỉnh, Hồ Văn Tam, Võ Hoàng Bửu, Hồ Văn Lợi, Nguyễn Văn Phụng...

Tất nhiên, giới chuyên môn đều đánh giá là Thừa Thiên Huế sẽ khó làm nên bất ngờ trước một đội chủ nhà trội hơn về đẳng cấp, đang có phong độ cao. Nhưng chiều hôm đó, các cầu thủ Huế đã chơi như “lên đồng” với những cú xé biên của hậu vệ cánh trái Lê Đức Anh Tuấn, sự tỉnh táo đáng kinh ngạc của tiền vệ con thoi Dương Công Quốc và đặc biệt là phong độ chói sáng của tiền đạo số 10 Trần Quang Sang. Sau khi bị dẫn trước 1 bàn, các cầu thủ Cảng Sài Gòn đã vùng lên chơi tấn công ào ạt. Thế nhưng, từ một pha bóng phản công tưởng không có gì nguy hiểm, Trần Quang Sang đã tung một cú sút căng như kẻ chỉ từ khoảng cách 25m ấn định tỷ số 2-0. Nhớ lại bàn thắng này, cựu tiền đạo Trần Quang Sang luôn nói rằng đó là bàn thắng đáng nhớ nhất trong sự nghiệp cầu thủ của anh.

Cựu tiền đạo Trần Quang Sang (ngoài cùng, bên phải) nay là Trưởng đoàn Bóng đá Huế (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Vượt qua Cảng Sài Gòn, ở trận chung kết, Thừa Thiên Huế gặp Công an TP. Hồ Chí Minh. Với một dàn cầu thủ ngôi sao như Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến, Chu Văn Mùi, Nguyễn Liêm Thanh, Nguyễn Thiện Quang, Bùi Sĩ Thành..., đội bóng chủ sân Thống Nhất chơi hoàn toàn lấn lướt, qua đó đánh bại đội khách 3-1 để lên ngôi vô địch. Về phía Thừa Thiên Huế, dẫu không thể chạm tay vào chiếc cúp vô địch nhưng với những gì đang có, ngôi vị á quân quốc gia cũng đã là một ấn tượng quá đỗi ngọt ngào khi lần đầu tiên tham gia sân chơi đội mạnh quốc gia.

Trở lại từ sân Thống Nhất

Sau khi lên ngôi á quân quốc gia mùa bóng 1995, đầu năm 1996, đội bóng Thừa Thiên Huế được mời tham gia Cúp Độc lập do Liên đoàn Bóng đá TP. Hồ Chí Minh tổ chức, tranh tài với các đội bóng TP. Hồ Chí Minh và các đội mạnh của Đông Nam Á.

Thế nhưng, điều không may đã xảy ra khi 2 cầu thủ trụ cột của Huế là trung vệ Nguyễn Đình Tuấn và tiền vệ Dương Công Quốc bị ngã xe máy không thể thi đấu được. Trước tình huống đó, Thừa Thiên Huế đành phải mượn quân của Công an TP. Hồ Chí Minh là bộ ba Thiện Quang, Khôn Tấn và Hoàng Hùng để bổ sung cấp tốc lực lượng. Và ít ai ngờ được, đây cũng là giải đấu báo hiệu sự xuống dốc của đội bóng Cố đô.

Sau khi chơi mờ nhạt ở Cúp Độc lập, đội bóng của HLV Ninh Văn Bảo chỉ còn là cái bóng của chính mình so với mùa trước. Mùa bóng năm 1996, Thừa Thiên Huế ngậm ngùi xuống hạng khi thể hiện phong độ thất thường. Một phần nữa, các đội bóng hạng mạnh đều chơi rất quyết liệt với Thừa Thiên Huế, bởi ai cũng muốn đánh bại đội bóng đương kim á quân quốc gia để chứng tỏ thực lực của mình.

Đội bóng Thừa Thiên Huế xuống hạng, HLV Ninh Văn Bảo ra đi. Người thay thế HLV Ninh Văn Bảo thi đấu ở giải hạng Nhì là HLV Nguyễn Đình Thọ. Mùa bóng năm 1998, sự nỗ lực của tân Giám đốc Sở TDTT lúc đó là ông Ngô Văn Trân, HLV Nguyễn Đình Thọ cùng những cầu thủ trụ cột như Lê Đức Anh Tuấn, Trần Quang Sang, Nguyễn Đức Dũng, Phan Văn Hòa... đã giúp Huế lọt vào vòng chung kết giải hạng Nhì ở Long An để tranh 1 suất thăng hạng mạnh và 1 suất thi đấu play-off với đội xếp áp chót hạng mạnh.

Thừa Thiên Huế vào chơi trận chung kết với kỳ phùng địch thủ Đà Nẵng và chịu thua 0-1 với cú đá phạt trực tiếp hiểm hóc của danh thủ Hà Xá. Không thăng hạng trực tiếp, đội bóng Cố đô phải thi đấu 2 trận play-off với đội Hải Quan để xác định chiếc vé thăng hạng còn lại. Hải Quan lúc đó có danh thủ Đỗ Khải, các cầu thủ chất lượng như Hà Kiên Hùng, Xuân Trúc hay Anh Trung...

Thế nhưng, với sự ủng hộ nhiệt tình của cổ động viên trên sân Thống Nhất, các học trò của HLV Nguyễn Đình Thọ đã chơi quả cảm với 2 bàn dẫn trước do công của trung vệ Lê Minh Sỹ Hùng và tiền đạo trẻ Trần Quang Phú. Tiếc là sau đó, đội bóng Cố đô không giữ được tỷ số để Anh Trung ghi 2 bàn thắng san bằng tỷ số.

Nhưng với lợi thế có 2 bàn thắng trên sân Thống Nhất, 1 tuần sau ở sân Tự Do, các cầu thủ Thừa Thiên Huế đã giành quyền trở lại hạng đội mạnh quốc gia khi cầm hòa Hải Quan 0-0 sau trận thủy chiến dưới mưa dầm gió bấc. Có thể nói, trận hòa 2-2 trên sân Thống Nhất cũng là kỷ niệm ngọt ngào của bóng đá Huế khi đưa đội bóng trở lại sân chơi lớn nhất của bóng đá Việt Nam.

Bài: PHI TÂN - Ảnh: CTV