Những cái tên “Công đoàn độc lập Việt Nam”, “Nghiệp đoàn độc lập”... dù là những tổ chức trái phép, không điều lệ, cương lĩnh, không danh chính ngôn thuận nhưng lại được các thế lực chống đối xem đây là “diễn đàn đối lập tích cực”.

Mục tiêu không chỉ đối lập với tổ chức công đoàn hiện nay mà còn là tổ chức chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đoàn kết của giai cấp công nhân, người lao động.

Thời gian qua, một số tổ chức tự xưng danh  “độc lập”, “dân chủ”, “nhân quyền” như: Hội nhà báo độc lập, Văn đoàn độc lập, Anh em dân chủ, Phụ nữ nhân quyền, Tù nhân lương tâm... đã mọc lên dưới những hình thức khác nhau. “Công đoàn độc lập Việt Nam” cũng là một dạng kiểu và không ngoài âm mưu, phương thức chống phá, tìm cách loại bỏ vai trò của tổ chức công đoàn hiện nay.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam là một tổ chức chính trị rộng lớn của người lao động với mục đích  giáo dục, giúp đỡ, tập hợp khối đoàn kết đội ngũ giai cấp công nhân, người lao động.

Từ khi thành lập đến nay, trải qua 92 năm đồng hành cùng đất nước, Công đoàn Việt Nam đã chứng tỏ là một tổ chức chính trị - xã hội đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Trong hơn 1 năm qua, dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng lớn đến công nhân ở các khu công nghiệp và người lao động nói chung, công đoàn đã chỉ đạo hướng dẫn giải quyết chính sách, hỗ trợ bằng vật chất, tinh thần cho người lao động. Nhà nước chi hàng chục ngàn tỉ đồng cho an sinh xã hội, đó là chính sách chưa có tiền lệ, thể hiện tính nhân đạo, vì cuộc sống của người lao động. Tất cả mọi người đều bình đẳng trong thụ hưởng chính sách, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân.

Gần đây, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do yêu cầu phải có những thay đổi luật pháp phù hợp với thông lệ quốc tế, Nhà nước ta đã sửa đổi Bộ luật Lao động (có hiệu lực từ 1/1/2021). Điều 170 sửa đổi Luật này cho phép người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động các tổ chức ở doanh nghiệp phù hợp với pháp luật Việt Nam. Đây là quy định mới cho phép các tổ chức bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong đại diện bảo vệ lợi ích của người lao động theo đúng quy định.

Pháp luật Việt Nam tôn trọng quyền lập hội, nếu các hội đó thực sự vì quyền lợi hợp pháp của cá nhân và tổ chức, theo đúng pháp luật. Điều 25, Hiến pháp nêu rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện quyền này do pháp luật quy định”. Điều 2, Nghị định 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định hội là “tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên, của cộng đồng”.

Việc hình thành tổ chức mang danh “công đoàn”, “đại diện người lao động” nhưng không  bảo vệ quyền lợi của người lao động, mục đích chống đối Đảng, Nhà nước thì không thể là một tổ chức chính danh, hợp pháp. Vì không có chính danh nên chúng không dám công khai ra mắt mà chỉ dám ngấm ngầm kích động làm rối loạn xã hội. Đó là âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, làm bất ổn đời sống Nhân dân. Những gì chúng đưa ra tuyên truyền chỉ là những luận điệu mị dân, không bao giờ vì quyền lợi của người lao động. Vì vậy, nó không thể thay thế tổ chức công đoàn đã đồng hành với giai cấp công nhân, người lao động trong hơn 90 năm qua.

NGUYỄN  AN  HÒA