Chị Ni (ngoài cùng, bên trái) cùng nhóm thiện nguyện trao quà cho một hoàn cảnh yếu thế (Ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hàng xóm láng giềng của gia đình có cậu con trai bị liệt hơn 20 năm nay ở thôn Xuân Ổ (xã Phú Xuân, huyện Phú Vang), đã “quen mặt” với chị Trần Thị Ly Ni, bởi người phụ nữ trẻ thường hay lui tới thăm hỏi và chuyển đến tận tay gia đình người bệnh sự chia sẻ của các nhà hảo tâm. “Cậu thanh niên bệnh tật từ khi mới lọt lòng mẹ, nằm trên giường, vệ sinh cá nhân ngay tại chỗ. Căn bệnh khiến cậu xé nát bất cứ đồ vật nào xung quanh, nên dù nắng nóng hay giá rét, người bệnh chỉ nằm “trơ trọi” trên tấm vạt giường, không chăn, chiếu. Thương lắm”. Chị Ni chùng giọng.

Trải những xót xa, trăn trở, nặng lòng trước một phận đời kém may mắn trên  facebook, chị Ni vui mừng và hạnh phúc khi có nhiều tấm lòng chia sẻ vật chất, tinh thần đến người bệnh. Người gửi 100 nghìn đồng, người tặng vài trăm nghìn đồng, có người lại nhờ chuyển vài chục đô la Canada… Cứ vậy, gom góp yêu thương. Mỗi lần nhận hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, chị Ni đều thu xếp công việc, để chuyển đến gia đình người bệnh thật nhanh chóng, kịp thời.

Căn bệnh hiểm nghèo đe dọa sinh mạng, mặc dù đang sống trong những thời khắc khó khăn nhất, nhưng chị T. ở thôn Quảng Xuyên (xã Phú Xuân) vẫn thấy được an ủi vì tình cảm, sự quan tâm ấm áp của những người xung quanh, của cộng đồng. Thương chị T. - hội viên phụ nữ “của mình” - Chủ tịch HLHPN xã Phú Xuân đã vận động chị em hội viên, gom góp được hơn 2 triệu đồng, hỗ trợ ban đầu. Tiếp tục đăng bài kêu gọi trên mạng xã hội facebook, chị Ni đã kết nối được với một nhà hảo tâm ở phường Thuận An (TP. Huế) với số tiền gần 12 triệu đồng, chia sẻ đến hoàn cảnh chị T.

“Từ bài đăng của tôi trên facebook, một nhà hảo tâm ở xã Vinh An (Phú Vang) cũng gửi tặng chị T. số tiền 3 triệu đồng. Anh ấy còn nói sẽ viết bài lên mạng xã hội để kêu gọi bạn bè, người quen ở nước ngoài chung tay hỗ trợ chị T. Người phụ nữ này vừa bệnh hiểm nghèo, vừa có 3 đứa con còn thơ dại, hoàn cảnh đáng thương vô cùng. Vậy nên, có ai giúp đỡ chị ấy được chút nào, tôi mừng chút ấy” - chị Ni bộc bạch.

Gương mặt, ánh mắt ánh lên cảm xúc trân trọng, khi “khoe” trang sổ ghi danh sách 27 người, với tổng số tiền 5,5 triệu đồng, chị Ni cho biết, ngày mai sẽ lập tức tiếp tục chuyển số tiền này đến tay chị T. Chị Ni nói rằng, phải chuyển kịp thời, bởi đây là tình cảm, là yêu thương, bởi những mạnh thường quân này kinh tế cũng còn đang rất khó khăn, nhưng họ đã “nhín” lại một bữa chợ, một món chi tiêu của gia đình, để san sẻ.    

Từ cầu nối yêu thương - chị Trần Thị Ly Ni - rất nhiều hoàn cảnh bệnh tật hiểm nghèo, già cả neo đơn được sẻ chia, hỗ trợ, tiếp sức. Đó là chị H. ở thôn Diên Đại (xã Phú Xuân) bị bướu ác tính, là cô bé học lớp 4 ở xã Phú Hồ, là người phụ nữ bệnh tật ở xã Phú Mỹ…

“Nhiều lắm, không thể nhớ”, là câu trả lời “nhẹ tênh”, khi tôi hỏi chị Ni đã từng kết nối giúp cho bao nhiêu trường hợp. Người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu ấy chia sẻ rằng, mỗi ngày đi cơ sở, thậm chí đi chơi, gặp hoàn cảnh nào đáng thương, chị đều không thể cầm lòng, rút ví tặng món tiền nhỏ. Rồi trăn trở, rồi vận động chị em hội viên phụ nữ và viết bài kêu gọi sự chung tay trên mạng xã hội facebook. Hiểu tình cảm của chị, tin tấm lòng của chị, nên chị em hội viên phụ nữ xã Phú Xuân và nhiều người quen, bạn bè cùng chung tay gom góp, để từ đó lan tỏa yêu thương đến những phận đời kém may mắn.

Chị Nguyễn Thị Bé, chị Trần Thị Xuân, chị Lê Thị Huệ và nhiều hội viên phụ nữ xã Phú Xuân chia sẻ rằng, yêu mến và trân trọng tấm lòng của Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Xuân, nên khi chị Ni vận động thiện nguyện hoặc trong các hoạt động phong trào, các chị đều hưởng ứng. Cũng vì tín nhiệm, nên khi chị Ni vận động, các chị đã thu xếp công việc làm ăn, để tự nguyện chăm lo bữa ăn cho gần 30 người (bao gồm những người ở TP. Hồ Chí Minh trở về quê hương Phú Vang và cán bộ y tế) thực hiện cách ly 21 ngày, tại khu cách ly của huyện, “kích hoạt” ngày 7/7 tại phòng khám cũ ở thôn Diên Đại (Phú Xuân).

Quỳnh Anh