PGSTS, bác sĩ Cao Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường ĐHYD Huế, Giám đốc Bệnh viện Trường ĐHYD Huế cho biết, trong khuôn khổ dự án, lãnh đạo trường có chuyến làm việc tại Tổng vụ Hợp tác phát triển Bộ Ngoại giao Ý; thiết lập mối quan hệ giữa Bộ môn Phụ sản Trường ĐHYD Huế, Khoa Phụ sản Bệnh viện Trường ĐHYD Huế và Khoa Phụ sản Bệnh viện San Raffaele, Milan, đã đem lại những kết quả mong muốn.

Trong chuyến khi thăm và làm việc, đại diện Trường ĐHYD Huế trình bày các nhu cầu hiện nay và khả năng hợp tác với các tổ chức chính phủ và phi chính phủ Ý, thảo luận về các thủ tục thực hiện và chi tiêu thuộc dự án vốn vay của Ý cho trường và một số sở y tế miền Trung Việt Nam; thiết lập mối quan hệ giữa Khoa Phụ sản, Bệnh viện trường và Khoa Phụ sản, Bệnh viện San Raffaele; thảo luận về cơ cấu tổ chức và quản lý Bộ môn Phụ sản Bệnh viện Trường, sẽ được xây dựng với khoản ngân sách từ vốn vay Ý.
 
Bên cạnh việc thiết lập mối quan hệ hợp tác với các tổ chức chính phủ và phi chính phủ Ý, trường còn được dự án cấp học bổng đào tạo ngắn hạn cán bộ chuyên môn tại Bệnh viện Raffaele, trang bị máy siêu âm hiện đại.
 

Máy siêu âm tại Trung tâm Nội tiết phụ khoa và y học sin

Tỷ lệ vô sinh ngày càng cao trong dân cư. Nhu cầu điều trị vô sinh tại Việt Nam hiện rất cần thiết. Trường ĐHYD Huế đã thành lập Trung tâm Nội tiết phụ khoa và y học sinh sản, thực hiện điều trị vô sinh, đáp ứng nhu cầu của người dân khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nên đã không để lỡ cơ hội trên, với nguồn kinh phí của dự án, trường đã cử ba cán bộ của Khoa Phụ sản gửi đào tạo ngắn hạn tại Bệnh viện San Raffaelet để học tập, nâng cao kỹ năng về các kỹ thuật tiên tiến: Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, kỹ thuật siêu âm, phẫu thuật nội soi, tạo nguồn nhân lực hạt nhân để phát triển trung tâm. Sau 2,5 tháng học tập trở về, cả 3 bác sĩ đều vững vàng hơn trong chuyên môn. Bác sĩ Bạch Ngõ được học về phẫu thuật nội soi, cho biết: “Ngành phụ sản Huế ứng dụng kỹ thuật nội soi từ lâu, lần này tôi được học thêm những kiến thức mới về vấn đề này. Đó là những kiến thức quan trọng, nếu có thêm máy móc hiện đại hỗ trợ thì kết quả sẽ phát huy tốt hơn”.
 
Học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm từ bệnh viện bạn, bác sĩ Trương Thị Linh Giang cho rằng: Đây là một kỹ thuật phức tạp và cần có thời gian nhiều để nghiên cứu. Tuy nhiên, qua hơn 2 tháng học tập ở Ý đã trang bị những kiến thức căn bản giúp bác sĩ Giang tiếp tục nghiên cứu để có thể đáp ứng được yêu cầu công việc. Một trong những trang thiết bị cần thiết của điều trị vô sinh là máy siêu âm. Máy được sử dụng để khám phụ khoa, theo dõi nang noãn của buồng trứng, đánh giá nội mạc tử cung, hỗ trợ lấy trứng để thụ tinh trong ống nghiệm, cấy phôi, nhằm chẩn đoán sớm và theo dõi quá trình mang thai sau khi thụ tinh trong ống nghiệm, sàng lọc trước sinh, sau khi thụ tinh trong ống nghiệm… Tuy nhiên, phải có chuyên môn vững, bác sĩ siêu âm mới đọc kết quả được chính xác. Dù thời gian đào tạo không nhiều, nhưng bác sĩ Nguyễn Trần Thảo Nguyên, người được cử đi học lần này đã tranh thủ lĩnh hội thêm khá nhiều kiến thức về siêu âm sản khoa. Bác sĩ Nguyên nói: “Hơn 2 tháng, em được các bác sĩ Bệnh viện San Raffaele, Milan cho thực tập siêu âm đã có thêm được nhiều kiến thức. Có những vấn đề khó mà khi ở Việt Nam em vẫn chưa tìm được câu trả lời đúng, thì nay đã có được đáp số”.
 
Dự án mang lại hiệu quả lớn cho Bệnh viện Trường ĐHYD Huế. TS Federico Chiodi Daelli, Giám đốc Chương trình AISPO và BS Stefano Ferroni, Tổ chức AISPO, GS Piero Cappuccinelli, Đại học Sassari trong dịp đến thăm Trường ĐHYD Huế mới đây đánh giá: Dự án tuy ở qui mô vừa phải nhưng bước đầu đã giải quyết được vấn đề quan trọng, tạo tiền đề để trung tâm nội tiết phụ khoa và y học sinh sản tại bệnh viện Trường ĐH Y Dược Huế phát triển, phục vụ nhu cầu điều trị vô sinh cho người dân miền Trung Việt Nam. Đây là quyết tâm, đồng thời là nghiên cứu khoa học nghiêm túc”.
 
Xuân Hồng