Buổi tọa đàm cung cấp nhiều thông tin mới về những năm tháng vua Hàm Nghi bị lưu đày ở Algérie

Cuộc sống ở xứ người

Vua Hàm Nghi (1871-1944) là vị vua trải qua nhiều biến cố lịch sử, diễn ra ở nhiều thời kỳ, cả trong và ngoài nước. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông cũng thể hiện tình yêu nước sắt son. Thời gian vua Hàm Nghi ngồi trên ngai vàng (1884 - 1885) cũng như thời gian kháng chiến chống Pháp (phong trào Cần Vương 1885 - 1889) đã được sử sách viết tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều người chưa hiểu rõ khoảng thời gian 55 năm nhà vua bị lưu đày và mất ở Alger (thủ đô Algérie).

Theo nhà nghiên cứu (NNC) Nguyễn Đắc Xuân, thời gian đầu bị đày sang Algérie, nhà vua dần làm quen với cuộc sống ở nước sở tại: tập đi xe đạp, học vẽ và làm quen với chiếc máy chụp hình để khuây khỏa nỗi nhớ nhà, nhớ nước. Sau đó, nhà vua học tiếng Pháp, giao du với nhiều trí thức nói tiếng Pháp. Nhiều quan chức cao cấp của Pháp rất trọng nể tinh thần yêu nước và phong cách sống phương Đông của vua Hàm Nghi.

Năm 1904, nhà vua sang Pháp xin Tổng thống Pháp được lập gia đình, sau đó đính hôn với bà Marcelle Laloe, con gái của ông Francis Laloe - Chánh án Tòa Thượng thẩm Alger. Đám cưới của Hoàng thân An Nam và cô con gái của Chánh án Tòa Thượng thẩm là một sự kiện chưa từng có ở thủ đô Alger. Báo chí Pháp ngữ ở Alger ngay lúc ấy đã có một bài viết về đám cưới vua Hàm Nghi mang tựa đề “Đám cưới của Hoàng thân An Nam”.

Kết hôn với bà Marcelle Laloe, vua Hàm Nghi có ba người con: công chúa Như Mai, công chúa Như Lý và hoàng tử Minh Đức. NNC Nguyễn Đắc Xuân thông tin thêm, trước đó, vua Hàm Nghi đã có vợ trong thời gian kháng chiến. Nhà vua và bà Phan Thị Hòa đã có một người con trai là ông Bửu Trắc sinh năm 1889.

Ở xứ người, nhà vua cho sửa sang nơi ông ở - biệt thự Ngàn thông, xây dựng thêm căn gác hai tầng có bộ mái giống như Phu Văn Lâu dành để thờ vua Gia Long. Ông đổi tên biệt thự Ngàn thông thành biệt thự Gia Long. Dù phải sống xa quê, cách biệt với những tin tức từ Việt Nam, vua Hàm Nghi vẫn giữ được tiếng thơm cho gia đình, dòng họ và đất nước. Nhà vua vẫn duy trì nếp sống của người Việt, giữ chiếc áo dài đen và búi tó trên đầu.

Vua Hàm Nghi cùng với tác phẩm của ông. Ảnh tư liệu của NNC Nguyễn Đắc Xuân

Theo nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, vua Hàm Nghi là vị vua yêu nước. Mặc dù nhiều lần “triều đình” do thực dân Pháp dựng lên kêu gọi đầu hàng, ông vẫn tuyên bố thà chết giữa núi rừng chứ không thể quy phục. Ông tôn thờ dân tộc, giữ gìn lòng ái quốc suốt những năm tháng lưu đày, không cộng tác với kẻ thù làm tổn hại đất nước. Vua Hàm Nghi là hiện thân nhân cách cao quý của người Việt trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Bị lưu đày, bị ghẻ lạnh, thậm chí bị mua chuộc, nhà vua vẫn giữ gìn cốt cách con người Việt có văn hóa, giàu lòng tự trọng, giàu sức cảm hóa với những người chung quanh. Vua Hàm Nghi đáng được coi là vị vua trung hiếu với dân tộc.

Nhà vua nghệ sĩ

NNC Nguyễn Đắc Xuân đã sang Pháp đến thăm lăng mộ vua Hàm Nghi và trò chuyện với con gái nhà vua. Công chúa Như Lý cho biết: “Tài sản vua Hàm Nghi để lại quý giá nhất là tranh. Vua Hàm Nghi vẽ rất nhiều tranh. Gia đình chưa bao giờ bán tranh của vua Hàm Nghi, tuy nhiên, công chúa Như Mai gặp lại những người đã từng yêu mến vua Hàm Nghi, bà thường lấy tranh của vua cha tặng cho họ để kỷ niệm”.

Trong 55 năm lưu vong, vua Hàm Nghi đã trở thành một họa sĩ và nhà điêu khắc, lấy bút danh Tử Xuân. Ông học vẽ ở xưởng chuyên nghiệp của họa sĩ Maurius Reynaud, sau này qua Pháp học điêu khắc với nghệ sĩ danh tiếng Rodin và tự nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo. Ông từng 3 lần triển lãm tranh tại Paris. Cùng với họa sĩ Lê Văn Miến, vua Hàm Nghi mở đầu cho nền hội họa theo phong cách phương Tây của Việt Nam.

PGS.TS Phan Thanh Bình, nguyên hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế cho rằng, nhà vua rõ ràng vẽ tranh, làm tượng không chỉ là giải trí mà thành công như một họa sĩ trải qua khổ luyện chuyên môn cơ bản, tích lũy kinh nghiệm nghệ thuật nhiều năm. Bút pháp, phong cách sáng tạo của vua Hàm Nghi theo chủ nghĩa hiện thực. Bên trong những bức tranh phong cảnh hiện thực đầy tình cảm của họa sĩ là một dấu ấn tâm hồn phương Đông, hồn Việt đậm nét. Trong nhiều tác phẩm, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ của một đất nước xa xôi vẫn ẩn giấu, chứa đựng tình cảm và nét văn hóa riêng biệt, gợi nhớ quê hương nước Việt ngàn dặm xa cách.

Bức tranh "Cây ô liu cổ" (Sơn dầu, 1905) của vua Hàm Nghi. Ảnh: TL           

“Hội họa của vua Hàm Nghi hình thành ở phương trời xa nhưng lối tạo hình dung dị, tả thực, dễ hiểu, gần gũi với bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam đương thời. Dù vẽ biển động, sóng lừng hay rừng cây úa vàng, những cây cổ thụ đơn độc… tất cả đều hiện lên ánh sáng trong trẻo của dòng ký ức phương Đông”, PGS.TS. Phan Thanh Bình nhận xét khi cảm nhận về tranh của vua Hàm Nghi.

Nguyện vọng trở về Huế

Theo tìm hiểu của NNC. Nguyễn Đắc Xuân, vua Hàm Nghi trước khi qua đời có nhờ chính quyền Pháp ở Alger đến và hứa sẽ đưa vua Hàm Nghi về Huế. Bà Laloe cũng có hứa. Trong di chúc của vua Hàm Nghi, vua có nói là phải đưa ông về Huế và để nằm bên cạnh cha.

Việc đưa hài cốt vua Hàm Nghi về Huế được đặt ra từ lâu. Người Việt Nam trong cũng như ngoài nước, đặc biệt là bà con Nguyễn Phước Tộc, rất tha thiết được cung nghênh hài cốt vua Hàm Nghi về quê hương. TS. Bửu Nam, đại diện Hội đồng Nguyễn Phúc Tộc Việt Nam bày tỏ: “Chúng tôi rất mong đưa được thi hài vua Hàm Nghi về Huế, được nằm giữa khung cảnh thiên nhiên của quê hương”.

NNC. Nguyễn Đắc Xuân cho biết: “Năm 1999, lần đầu mới gặp công chúa Như Lý ở Corrèze, tôi đã thưa với bà về nguyện vọng đó của đồng bào Việt Nam. Công chúa Như Lý cho tôi biết, thực hiện di chúc của vua Hàm Nghi, khi nào hoàn cảnh thuận lợi, con trai của bà là ông Philippe sẽ đem hài cốt vua Hàm Nghi và bà Vương phi Laloe về Việt Nam”.

Ông Xuân cũng thường xuyên liên lạc, trao đổi với hậu duệ của vua Hàm Nghi là ông Đặng Văn Giáp về vấn đề lăng mộ vua Hàm Nghi. Ông Giáp cho biết: “Sớm hay muộn chúng tôi sẽ dời mộ vua Hàm Nghi về Huế. Nếu chính quyền duyệt việc cho phép làm lăng vua Hàm Nghi bên cạnh thân phụ Kiên Thái Vương, chúng tôi có thể đẩy nhanh quá trình đưa ngài về sớm”.

Dâng hương tưởng niệm vua Hàm Nghi

Dâng hương tưởng nhớ công lao của vua Hàm Nghi 

Chiều 3/8, Hội đồng Nguyễn Phúc Tộc Việt Nam tổ chức lễ dâng hương và tưởng niệm vua Hàm Nghi tại Thế Miếu – Đại Nội, nhân 150 năm ngày sinh của ông (3/8/1871-3/8/2021).

Phát biểu tại lễ dâng hương, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh cho hay: “vua Hàm Nghi là một tấm gương sáng ngời về tinh thần tự tôn dân tộc, bảo vệ văn hóa cội nguồn. Tinh thần yêu nước và nhân cách cao đẹp cùng tài năng, đức độ của vua Hàm Nghi vẫn là một tượng đài giữa miền sông Hương núi Ngự; tên tuổi của Ngài mãi mãi lưu danh cùng sử sách và trong lòng các thế hệ người dân Việt Nam”. 

Bài, ảnh: Minh Hiền