Cau ăn trái tạo cảnh vườn

Đến lễ hỏi và lễ cưới, mâm cau trầu (một buồng cau đủ 105 trái và 105 lá trầu) được xem là lễ vật chủ đạo. Những dịp không rơi vào mùa vụ cau thì được thay bằng 105 miếng cau khô. Ca dao cổ cũng có câu “Thương nhau cau sáu bửa ba, ghét nhau cau sáu bửa ra thành mười” nói lên sự gắn liền mật thiết của quả cau với văn hóa giao tiếp. Dịp Tết Nguyên đán, hầu hết người Huế có thờ cúng ông bà tổ tiên đều xem trầu cau là lễ vật không thể thiếu trên bàn thờ. Nhắc đến cau, người ta lại nhớ đến những vùng trồng cau nổi tiếng như cau Nam Phổ, cau Vỹ Dạ, cau Mỹ Lợi... và điều mà ít ai phủ nhận là địa danh Nam Phổ đã đi vào lòng người qua câu hò ru em “Ru em cho théc cho muồi, để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu; Mua vôi chợ Quán chợ Cầu, mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh...”.

Nam Phổ là một làng nghề nổi tiếng về trồng và bửa cau, hiện nay vẫn bảo tồn miếu Can Lang, thờ Bà Thiên Y A Na, do những người dân trong làng kinh doanh cau khô thành lập để cầu mua may bán đắt. Vào trước thế kỷ 19, nhiều thương lái ở làng thu mua cau tươi trong làng và nhiều nơi khác về để bửa và phơi sấy rồi đưa ra chợ Đông Ba và lên làng Kim Long để bán sỉ. Đến đầu thế kỷ 19, khi đường sắt Bắc Nam được thiết lập, nhiều đầu nậu ở làng đã chuyển cau khô ra Bắc bán. Tục lệ đi chợ mồng một Tết mua một lá trầu tươi, một quả cau để cầu lộc đã có từ lâu đời và có lẽ cũng bắt nguồn từ chợ Tết Nam Phổ.
Ngày nay, cau không chỉ được trồng để thu hoạch quả mà người Huế nói chung, người Nam Phổ nói riêng còn xem cây cau là một cây cảnh để tôn tạo sân vườn. Rất nhiều nơi từ nông thôn đến thành thị, các nhà vườn thường trồng một vài cây cau trong sân, vườn hay trồng thành hàng dọc hàng rào xanh hoặc thành hai hàng dọc theo lối đi từ ngõ vào nhà với mục đích chính là tôn tạo cho không gian vườn nhà thêm duyên dáng. Theo kế hoạch, cây cau sẽ được chọn để trồng dọc theo đường Hàn Mặc Tử. Như thế, sau này khi đi qua con đường này người ta lại nhớ đến hai câu: “Sao anh không về thăm thôn Vỹ. Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên”.
Có lẽ từ hình ảnh cây cau vừa nói - một hình ảnh mang đậm bản sắc văn hóa Huế lâu đời khiến cho nhiều người Huế đến dần với nhiều loài cau cảnh khác nhau, từ những cây cau cảnh kích thước nhỏ nhắn đến những cây cau kích thước hùng vĩ. Qua nhiều năm tháng tiếp cận, sưu tập, trồng, chăm sóc và truyền thông, ngày nay trong hệ thống cây xanh xứ Huế cũng như hệ thống vườn Huế, hàng chục loài cau cảnh đã xuất hiện, dần dần trở thành thân quen như một thành phần tất yếu không thể thiếu được của hệ thống cây cảnh.
Các loài cau cảnh có hình dáng thân gần giống cau ăn trái nhưng thấp cây là cau lùn, cau trắng. Cau lùn thường được trồng làm cảnh trong sân vườn, cây có dáng thân, lá và bẹ lá, cách trổ buồng và hình thái quả rất giống cau, nhưng các lóng thân rất ngắn gần như không thấy nên chiều cao rất hạn chế. Cau trắng có hình thái hao hao giống cau, nhưng thân hơi phình, lóng thân ngắn, màu trắng xám, đặc biệt buồng hoa màu trắng rất đẹp, quả lúc đầu trắng xanh, khi chín thì chuyển sang màu đỏ sặc sỡ, thường được trồng trong sân cơ quan, trường học, công viên...
Các loài cau có thân thon mảnh, thấp cây mọc thành bụi, thường gặp ở Huế là cau kiểng vàng, cau bẹ đỏ. Cau kiểng vàng có bẹ lá, cuống lá và cả cuống buồng đều màu vàng, là loài cau cảnh được trồng rất phổ biến, thường gặp ở các công viên, sân vườn nhà hàng, khách sạn, cơ quan, trường học... Nó cũng được người chơi trồng chậu để trưng bày ở một góc sân vườn thích hợp. Khác với cau kiểng vàng, loài cau bẹ đỏ đặc trưng bởi bẹ lá thon, dài, màu đỏ rực rỡ, cây thon nhỏ hơn, thường được trồng điểm xuyết giữa những bãi cỏ nhỏ trong công viên, công sở, nhà hàng, khách sạn, trong sân vườn nhà riêng, bên những hồ nhỏ... tạo thành những điểm nhấn đẹp mắt.
Một loài cau cảnh đặc trưng bởi gốc thân phình lớn trông giống như chai rượu sâm banh nên có tên là cau sâm banh, tuy không được trồng phổ biến vì giá thành cao, nhưng có thể gặp rải rác trong TP Huế.
Thời gian gần đây, một loài cây cảnh to lớn với phần thân gần bắp bẹ lá phình lớn nên đã được người trồng gọi là cau bụng, nhưng có lẽ nó đồ sộ hẳn so với tất cả các loài cau cảnh nên nó còn được gọi là cau vua, đã được trồng rất phổ biến nhiều nơi...
NGƯT Đỗ Xuân Cẩm