Thí sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021

Nhích dần vị thứ

Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 phản ánh chính xác thực tế chất lượng dạy học trong trường phổ thông giai đoạn vừa qua. Qua phổ điểm của một số môn thi cho thấy xu hướng chọn ngành nghề trong tương lai của học sinh. Các môn tự nhiên ở Thừa Thiên Huế có phổ điểm cao hơn mặt bằng chung của  toàn quốc, trong khi đó, các môn xã hội lại có phổ điểm thấp trong nhiều năm liền, nhất là môn lịch sử.

Năm nay, được xem là “mưa” điểm 10 khi toàn tỉnh có 243 thí sinh đạt điểm 10, đặc biệt, giáo dục công dân chiếm ưu thế với 147, còn lại hóa 8, sinh 23, tiếng Anh 52 và 3 điểm 10 còn lại dành cho ngữ văn, toán, địa lý; tuy nhiên, không có điểm 10 dành cho môn vật lý và lịch sử.

Đối với nhóm thí sinh thuộc vùng miền khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… đặc biệt 2 năm qua bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, các em phải học trực tuyến nên có những thiệt thòi nhất định. Điểm trung bình thấp hơn, nhưng dạng phổ điểm gần với phân bố chuẩn. Tiếp tục đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT với điểm học bạ lớp 12 của thí sinh vẫn có sự chênh lệch. Tuy nhiên, so với năm 2020, sự chênh lệch giữa kết quả điểm thi và điểm học bạ đã được thu hẹp. Ở một số môn, kết quả học tập thể hiện trong học bạ khá sát với điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này cho thấy, công tác kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học của các địa phương đã có tiến bộ.

Môn tiếng Anh năm nay đã phản ánh khách quan kết quả học tập của thí sinh, cũng như phản ánh trung thực điều kiện dạy học của các trường, nhất là giữa các trường ở vùng thuận lợi và vùng khó khăn. Thực tế, chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ trong trường phổ thông gần đây đang được chú trọng, đầu tư hơn, xu hướng đổi mới dạy học ngoại ngữ đã thu hút nhiều học sinh đầu tư vào học tiếng Anh. Số lượng học sinh dùng điểm thi môn tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển vào các trường đại học khá nhiều, trong đó có cả trường tốp cao.

Có giải pháp nhưng chưa đều tay

Có được kết quả đó phải kể đến sự nỗ lực khi ngành giáo dục đặt ra nhiều giải pháp. Mỗi trường đều có phương pháp linh hoạt để nâng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp. Một thầy hiệu trưởng ở vùng gò đồi kể rằng, nói vậy chứ không dễ, ngay từ cuối học kỳ 1, chúng tôi đã tập hợp, phân loại học sinh có học lực yếu, có nguy cơ rớt tốt nghiệp, vừa cảnh báo, vừa phối hợp kèm cặp quyết liệt. Cảnh báo có đến 47 em, nhưng kết quả ngoài mong đợi khi chỉ có 2 em rớt tốt nghiệp.

Hầu như trường nào cũng có một chiến lược riêng khi thành lập tổ giáo viên hỗ trợ học sinh yếu kém. Trong đó, chú trọng đến dạy phụ đạo, tăng tiết, xây dựng ngân hàng đề, tổ hợp đề sát với năng lực học sinh ở nhiều trường. Thậm chí, các trường THPT còn tổ chức những hội thảo về môn tiếng Anh, lịch sử qua đó chia sẻ những kinh nghiệm để tạo sự hứng thú cho học sinh.

Dự báo thí sinh tự do và học viên ở các trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ đỗ tốt nghiệp thấp nên ngành giáo dục cũng đặt ra nhiều giải pháp, như khuyến khích thí sinh tự do ôn tập ở kho dữ liệu của ngành giáo dục; tổ chức thi thử tốt nghiệp cho học viên ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên theo đề thi chung. Thậm chí, siết chặt đầu ra của hệ này để nâng cao chất lượng đào tạo.

Mục tiêu mà ngành giáo dục đặt ra phấn đấu tăng từ 7 đến 10 bậc xếp hạng trong kỳ thi tốt nghiệp, giải pháp cũng đã có nhưng năm nay lại tiếp tục lỗi hẹn. Chất lượng giáo dục đại trà chưa thật sự bứt phá. Giáo dục giữa khu vực miền núi và miền xuôi vẫn còn khoảng cách nhất định; việc xét tốt nghiệp THPT năm nay dựa trên kết quả học tập lớp 12 và kết quả thi THPT quốc gia theo tỷ lệ 30/70 đã ảnh hưởng lớn đến đối tượng học sinh có học lực yếu, chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp... dẫn đến tình trạng học lệch, học tủ.

Ở các trường THPT, công tác quản lý dạy, học chưa đồng bộ, chưa đều tay giữa các trường; việc quản lý đánh giá kết quả học tập của học sinh chưa chặt chẽ, chưa thực sự khách quan. Một bộ phận phụ huynh, nhất là những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa chưa thực sự quan tâm đến việc học tập, rèn luyện của con em mà phó thác cho nhà trường nên kết quả học tập còn hạn chế...

Tất nhiên, những chỉ tiêu của kỳ thi THPT quốc gia chỉ là một trong rất nhiều yếu tố để đánh giá chất lượng giáo dục đại trà của một địa phương. Bởi thực tế, phải xét ở nhiều góc độ khác như, công tác phổ cập giáo dục, ý thức học tập, rèn luyện của học sinh, đổi mới phương pháp giáo dục và các hoạt động giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học...

Để có thể thay đổi về chất, đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải vượt lên mọi thách thức, tâm huyết với nghề. Ngoài nỗ lực của ngành giáo dục, rất cần sự chung tay của phụ huynh, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị để giáo dục đại trà có những bước tiến vượt bậc cũng như giáo dục mũi nhọn trong các năm tiếp theo.

Bài, ảnh: Huế Thu