Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ phát biểu tại cuộc họp
Nhiều chỉ tiêu quan trọng đạt và vượt
Cùng làm việc với Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ còn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Báo cáo với Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, Giám đốc Sở NN và PTNT Nguyễn Đình Đức cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành NN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển khá toàn diện, NN và kinh tế nông thôn chuyển biến rõ rệt theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản; an ninh lương thực của tỉnh luôn đảm bảo; kết cấu hạ tầng NN, nông thôn được đầu tư đồng bộ và ngày càng hoàn thiện hơn làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Nhiều chỉ tiêu quan trọng đã đạt và vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020. Cụ thể, sản lượng lương thực có hạt đạt 33,5 vạn tấn/năm (chỉ tiêu 31-32 vạn tấn); diện tích lúa đạt 54.700 ha (kế hoạch đến 2020: 52.000 ha); sản lượng thóc hơn 32 vạn tấn, đạt chỉ tiêu đề ra; trong đó, sản lượng lúa chất lượng cao đạt 10,3 vạn tấn, vượt với chỉ tiêu đề ra 8-10 vạn tấn.
Diện tích trồng rừng hàng năm đạt 6.200 ha (mục tiêu đề ra 4.000- 4.500 ha), độ che phủ rừng ổn định 57,38% (chỉ tiêu 57-58%). Sản lượng thủy sản đạt 57.000 tấn, tăng 5% so với năm 2015. Giai đoạn 2016- 2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 3.087 ha đất lúa kém hiệu quả ở vùng miền núi, bãi ngang ven biển, vùng thiếu nước sang trồng ngô, lạc, rau, hoa và nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tăng trưởng NN còn thiếu bền vững, khả năng cạnh tranh thấp. Cơ cấu NN và kinh tế nông thôn có chuyển dịch nhưng còn chậm. Năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm chưa cao; bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa phát triển. Phần lớn nông sản tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng sơ chế, thô nên giá trị gia tăng còn thấp, chưa có thương hiệu.
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất NN còn hạn chế, các phương thức sản xuất tiên tiến chậm được áp dụng trên diện rộng, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được coi trọng; tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng còn lớn.
Nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành NN theo hướng phát triển bền vững, sản xuất hàng hóa, tăng năng suất, chất lượng, giá trị và thương hiệu sản phẩm nông sản, giai đoạn 2021-2025; trong đó, cơ cấu theo 3 nhóm sản phẩm. Đó là, nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; nhóm sản phẩm đặc sản địa phương. Cơ cấu lại sản xuất theo từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp…
Đổi mới tư duy trong quản lý điều hành
Nuôi cá trên đầm phá giúp người dân nâng cao đời sống
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đánh giá cao những kết quả mà ngành NN và PTNT của tỉnh đạt được trong thời gian qua.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ khẳng định, đời sống người dân trong tỉnh không ngừng được tăng lên chính bằng những sản phầm từ NN; góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an ninh nông thôn; nhiều người dân làm giàu, đi lên chính bằng NN.
Trong 4 thế mạnh riêng có của tỉnh, có thế mạnh về hệ thống đầm phá. Vấn đề đặt ra cho hướng phát triển của ngành NN là cần phải đổi mới tư duy trong quản lý, điều hành. NN phải là ngành kinh tế để đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo trong xây dựng nông thôn mới. Phát triển NN, nông dân, nông thôn phải phát triển theo quy hoạch, chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể.
Tất cả các sản phẩm NN đều phải nằm trong chuỗi sản xuất cây, con, giống, bảo quản. Phát triển ngành NN phải hướng đến ngành NN bền vững; quy hoạch ngành NN phải phát triển theo định hướng tỉnh trở thành TP trực thuộc Trung ương; chú trọng phát triển NN gắn với việc bảo vệ môi trường; ứng dụng công nghệ thông tin trong NN; chú ý đến nguồn giống, nếu không đầu tư dẫn đến nguy cơ một số sản phẩm đặc sản, truyền thống của Huế sẽ bị mai một.
Có những giải pháp để bảo vệ nguồn lợi tài nguyên trong khai thác thủy hải sản, trồng cây lâm nghiệp; nỗ lực kêu gọi đầu tư trong NN, trong lĩnh vực chế biến, giết mổ, bảo quản, xuất khẩuNN; nâng cao vai trò của HTX. Sở NN và PTNT cần sớm tổ chức hội nghị chuyên đề để tranh thủ thêm ý kiến của các nhà đầu tư, các chuyên gia đầu ngành về NN; giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy có những quyết sách, định hướng phát triển NN, nông dân, nông thôn trong thời gian tới.
Tin, ảnh: Phong Anh