Thí sinh dự thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021
Nghiên cứu kỹ
Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố phổ điểm các môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, các chuyên gia giáo dục đã có những phân tích về phổ điểm. Ngoại trừ môn lịch sử có đỉnh phổ điểm lệch nhẹ về bên trái, phổ điểm tất cả môn năm 2021 đều nghiêng mạnh về bên phải, tương tự phổ điểm của năm 2020. Số điểm 10 của các môn thi tăng mạnh, gấp 4 lần so với năm 2020.
Theo kết quả phân tích phổ điểm, nhiều chuyên gia cho rằng, mức độ phân hóa của phổ điểm các môn đều khá tốt và khả năng điểm chuẩn ở nhiều ngành sẽ có tăng. TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác Sinh viên Đại học (ĐH) Huế cho rằng, còn tùy thuộc vào tình hình thực tế của thí sinh, song qua phổ điểm, nhiều ngành có thể tăng điểm chuẩn từ 0,5 – 1 điểm.
Phổ điểm các môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 là một trong những cơ sở để thí sinh nghiên cứu để đưa ra phương án cho đợt điều chỉnh nguyện vọng. Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, năm nay, lần đầu tiên sẽ cho phép mỗi thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT) tối đa 3 lần trong thời gian quy định sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT. Sự khác biệt về số lần điều chỉnh nguyện vọng đòi hỏi thí sinh cần có những “chiến thuật” hợp lý bởi đây cũng là cơ hội cuối cùng của thí sinh trong mùa tuyển sinh 2021.
Thí sinh dự thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021
Tất cả thí sinh đều có quyền thay đổi các nguyện vọng ban đầu. Các thông tin được thay đổi là khối tổ hợp xét tuyển, các ngành, trường... miễn là các trường, ngành có xét tuyển khối học sinh đăng ký. Số lần thay đổi nguyện vọng lớn có thể nảy sinh những trường hợp bất ngờ về kết quả tuyển sinh, do vậy thí sinh cũng cần theo dõi, nghiên cứu kỹ để thay đổi nguyện vọng phù hợp.
Tham khảo 3 “nguyên tắc vàng”
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, nếu thí sinh đã đậu nguyện vọng 1, hệ thống sẽ tự ngừng xét tuyển các nguyện vọng sau. Vì thế, thí sinh dù đủ điểm đậu nguyện vọng 2 cũng không thể học ngành có nguyện vọng ưu tiên thấp hơn trong cùng đợt xét tuyển.
Các chuyên gia phân tích, nếu trong đợt xét tuyển đầu tiên, thí sinh không xác nhận nhập học với trường đã trúng tuyển ở nguyện vọng 1 thì coi như từ chối học và có thể tham gia xét tuyển đợt bổ sung. Tuy nhiên, có thể dẫn đến rủi ro vì ngành thí sinh muốn vào có thể đã xét tuyển đủ chỉ tiêu ở đợt 1 và không xét tuyển đợt bổ sung. Do đó, khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH năm 2021, thí sinh cần ghi nhớ 3 nguyên tắc vàng là đăng ký nguyện vọng theo thứ tự ngành yêu thích và trường yêu thích, tránh trường hợp đậu nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 nhưng lại muốn học ở trường đăng ký nguyện vọng 2. Bên cạnh đó, thí sinh cần đăng ký ít nhất 1 nguyện vọng có mức điểm chuẩn năm ngoái thấp để đảm bảo cơ hội trúng tuyển. Ngoài ra, thí sinh cần chọn tổ hợp môn có tổng điểm cao nhất để đăng ký xét tuyển nếu ngành đó xét tuyển nhiều tổ hợp.
ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế cho rằng, nếu thí sinh chưa hiểu rõ, có thể đặt câu hỏi để bộ phận tư vấn tuyển sinh hỗ trợ. Thí sinh phải nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của từng trường để có con số chính xác chỉ tiêu tuyển sinh của từng phương thức xét tuyển. Thí sinh cần theo dõi thông tin tư vấn điều chỉnh nguyện vọng của các trường, số lượng chỉ tiêu để điều chỉnh hợp lý.
Việc xếp thứ tự nguyện vọng rất quan trọng. Thí sinh có thể sắp xếp nguyện vọng theo 3 mức: Cao, ngang bằng và thấp hơn hay còn gọi là mức an toàn so với điểm thi. Việc sắp xếp các thứ tự nguyện vọng nên theo nguyên tắc trường yêu thích nhất và có điểm chuẩn dự kiến cao hơn điểm thi xếp ở nguyện vọng trên, trường dự kiến sẽ có điểm thấp hơn xuống dưới. Thí sinh cũng có thể tham khảo điểm chuẩn khoảng 3 năm trở lại, căn cứ phổ điểm và dự đoán các chuyên gia để có tính toán phù hợp.
Ban Tư vấn tuyển sinh các trường cho rằng có một kênh tham khảo gần như các thí sinh bỏ quên, đó là những ngành phải xét tuyển đợt 2. Đây thường là ngành khó tuyển nên cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn so với những ngành “hot”. Tuy nhiên, với phương thức xét tuyển bằng học bạ, các chuyên gia cũng khuyên thí sinh nên hết sức “cảnh giác”. Nếu các thí sinh sử dụng kết quả học bạ, điểm chuẩn đợt 2 thường cao hơn điểm chuẩn đợt 1. Tương tự, điểm chuẩn trúng tuyển của nguyện vọng 2 có thể cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 1.
Dự kiến, từ ngày 7/8 đến 17 giờ ngày 17/8, thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT để xét tuyển đợt 1, bằng phương thức trực tuyến. Riêng với những thí sinh phúc khảo bài thi/môn thi thì sẽ được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT sau khi có kết quả phúc khảo thi tốt nghiệp THPT.
Bài, ảnh: Hữu Phúc