Triệu chứng biến chủng Delta của Ấn Độ

Theo các chuyên gia nghiên cứu, không có dữ liệu cho thấy biến thể Delta gây ra triệu chứng bất thường hơn so với những biến thể khác. Vì thế, các triệu chứng của biến chủng Delta cũng gần tương tự như những dấu hiệu phổ biến ở bệnh nhân mắc COVID-19. Những triệu chứng thường gặp ở người bệnh mắc biến chủng Delta là: đau đầu, đau họng và sổ mũi. Trong đó, những biểu hiện này cũng có sự khác biệt đối với từng nhóm đối tượng đã tiêm hoặc chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.

+ Nhóm người bệnh chưa tiêm vaccine thường gặp các triệu chứng như đau đầu, đau họng, sổ mũi, sốt, ho dai dẳng.

+ Nhóm chỉ mới tiêm 1 liều vaccine COVID-19 có những triệu chứng phổ biến là đau đầu, sổ mũi, đau họng, hắt xì, ho dai dẳng.

+ Nhóm đã chủng ngừa đầy đủ vaccine khi mắc bệnh thường có những dấu hiệu bao gồm: đau đầu, sổ mũi, hắt xì, đau họng, mất khứu giác.

Đáng chú ý, những biểu hiện lâm sàng do biến chủng Delta Ấn Độ gây ra rất dễ nhầm lẫn với bệnh cảm lạnh thông thường, khiến nhiều người chủ quan bỏ qua, làm tăng nguy cơ biến chứng hoặc tử vong ở người bệnh.

Bên cạnh đó, một số bác sĩ tại Ấn Độ – nơi đầu tiên phát hiện biến thể Delta của Ấn Độ, cho rằng, biến thể này có thể gây ra các dấu hiệu bất thường như hoại thư (tình trạng nguy hiểm khi một khối lượng lớn các mô cơ thể bị hoại tử), mất thính giác, các vấn đề về tuần hoàn máu, tiêu chảy,… Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, đây không phải là kết quả từ một nghiên cứu chính thức mà chủ yếu dựa vào trải nghiệm lâm sàng.

Biến chủng Delta

WHO đánh giá biến chủng Delta là một biến thể mới, đặc biệt nguy hiểm bởi tốc độ lây lan nhanh chóng. Không chỉ vậy, biến chủng mới này còn làm gia tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện của bệnh nhân COVID-19 so với các biến chủng khác.

Biến thể Delta có khả năng “gây tử vong cao hơn khả năng lây truyền nhanh hơn giữa người với người và cuối cùng nó sẽ tìm tới những người dễ bị tổn thương, khiến họ phải nhập viện trong tình trạng biến chứng nặng và có khả năng tử vong”.

Một phần nguyên nhân của việc gia tăng tỷ lệ biến chứng nguy hiểm khi mắc biến chủng Delta nằm ở các biểu hiện lâm sàng không đặc trưng, hoặc không có triệu chứng khi nhiễm virus. Người mắc bệnh rất dễ hiểu nhầm bản thân mắc bệnh cảm lạnh thông thường. Do đó, người dân nên đề cao cảnh giác, thực hiện tốt các chỉ đạo phòng dịch của Nhà nước, chủ động sàng lọc yếu tố dịch tễ của bản thân và theo dõi sát sao các dấu hiệu bất thường nghi nhiễm COVID-19.

Sự lây lan biến chủng Delta

Theo các chuyên gia cho biết, biến thể Alpha có khả năng lây nhiễm cao hơn đến 70% so với các biến thể cũ. Trong khi đó, biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm nhiều hơn 40-60% so với biến chủng Alpha. Tỷ lệ lây nhiễm thứ phát (F1 dương tính) của các trường hợp nhiễm biến thể Delta cao hơn so với biến thể Alpha. Tại khu vực phía Nam, chúng ta đã ghi nhận 1 số trường hợp có dấu hiệu hoặc dương tính chỉ sau hơn 1 ngày tiếp xúc phơi nhiễm với người mắc COVID-19. Lý giải tốc độ lây lan của biến chủng Delta diễn ra nhanh, nguyên nhân chính nằm ở tỷ trọng của biến chủng Delta. Biến thể này là có tỷ trọng nhẹ hơn các biến chủng khác, do đó thời gian chúng lơ lửng, di chuyển trong không khí lâu hơn trước khi rơi xuống các bề mặt. Điều này làm bệnh dễ lây hơn với tốc độ nhanh, chu kỳ lây bệnh ngắn. Nhiều trường hợp, chỉ cần tiếp xúc gần, không trực tiếp, bệnh dịch vẫn có thể lây lan mạnh.

Các loại vaccine COVID-19 phòng biến chủng Delta

Hiện tại, các nhà khoa học vẫn khẳng định vaccine là phương pháp hiệu quả nhất giúp bảo vệ con người khỏi sự tấn công của virus, dù các biến thể mới liên tục xuất hiện, kéo theo mối lo lắng về nguy cơ lây nhiễm tăng cao.

Việc hoàn thiện phác đồ với 2 liều vaccine hoặc 1 liều trong vòng 28 ngày sẽ giúp giảm nguy cơ nhập viện tới 70%. Các nhà nghiên cứu cho biết, vaccine có phác đồ 2 liều cho hiệu quả bảo vệ tốt hơn với biến chủng Delta so với vaccine chỉ có một liều. Tuy vậy, họ lưu ý không sử dụng dữ liệu này để so sánh hiệu quả giữa các loại vaccine với nhau. Vì mỗi vaccine có khác biệt về đối tượng tiêm chủng và về tốc độ hình thành miễn dịch.

TS.BS. Nguyễn Đức Hoàng

Bệnh viện Trung ương Huế