Những chuyến xe trá hình bị cơ quan chức năng phát hiện khi đưa người về Thừa Thiên Huế

Để “bịt mắt”, “qua mặt” lực lượng chức năng, các lái xe, chủ xe cố tình dán những dòng chữ giả nhân giả nghĩa lên trước, hai bên thành xe đầy cảm động như “chuyến xe không đồng”, “công ty A hỗ trợ đưa đồng bào nghèo Thừa Thiên Huế về quê hương”. Khi bị bắt giữ, nhiều lái xe trình bày rằng mình đang làm thiện nguyện, rằng có nhà hảo tâm tài trợ cho bà con... Vậy nhưng, những lời không thật lập tức bị bẻ gãy.

Chị D., một hành khách trên hành trình về quê tránh dịch nói: Mình vay mượn tiền bạc để về. Nhà xe biết vậy nên không cho mặc cả. Lên xe họ thu một phần để đổ xăng. Đi một đoạn họ thu thêm lần nữa. Về gần tới Huế thì người ta thu hết. Nhóm đi 18 người, nhà xe lấy 32 triệu đồng. Một hành khách khác cũng đã thắc mắc nhà xe, sao thu tiền mà lại viết xe 0 đồng, thì nhận được cái cười ẩn í. Anh Hoàng Thế N. cũng là một người trở về theo đoàn xe giải thích rành mạch hơn: Trước khi lên đường, nhà xe yêu cầu phải có giấy tờ tùy thân và giấy xét nghiệm kết quả âm tính. Dọc đường, các trạm khai báo y tế đều gọi vào để kiểm tra, nhưng khi nghe xe 0 đồng, xe tài trợ nguời nghèo thì họ xem giấy xong là cho qua, không xét hỏi gì nữa.

Như vậy, hành vi chủ xe, lái xe của những chiếc xe khách trá hình này đã mượn chuyện nhân nghĩa để che mắt lực lượng trên đường, đưa người ra khỏi vùng dịch trái phép là điều đã nhìn thấy rõ. Tuy nhiên, điều cần bàn hơn là chính sự dễ dãi của các lực lượng làm nhiệm vụ dọc tuyến QL1A từ Tp. Hồ Chí Minh về đến Thừa Thiên Huế. Nói vậy là bởi, ngay chỉ thị 16 của Chính phủ và sau đó là Công điện của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương có dịch từ ngày 1/8 phải thực hiện nghiêm, không để người dân tự ý về quê. Với số người đã về trước ngày 31/7, địa phương nơi đến phải tổ chức tiếp nhận, khai báo y tế, đưa đi cách li trên xe chuyên dụng để tránh lây nhiễm cộng đồng. Vậy nhưng, những chiếc xe giả nhân nghĩa, và cả những chiếc xe hợp đồng đưa người về từ các vùng có dịch vẫn dễ dàng ra khỏi thành phố, đi hơn 1.000 km dọc QL1A nhưng không bị địa phương nào xử lí. Nếu nói, các lực lượng trên đường đã ngộ nhận, bị lừa bởi những tấm băng rôn giả nghĩa thì đã đến lúc phải xem lại trách nhiệm.

Theo luật sư Công Hạnh, văn phòng luật sư Công Khánh: “Các bảng hiệu mang tính chất hỗ trợ nhân đạo không thể thay thế được các văn bản cần có cho một chuyến xe. Ở đây chúng ta thấy rằng, để lưu thông được trong thời điểm này chỉ có những chiếc xe công vụ, và những chuyến xe được cấp phép. Các di chuyển khác phải tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng tại công điện 1063 của TTg ngày 31/7/2021. Việc người dân và phương tiện ra khỏi địa phương có dịch, trách nhiệm đầu tiên thuộc về địa phương đó. Tiếp  theo là các trạm, chốt liên ngành thực hiện giám sát y tế dọc lộ trình đoàn xe đã đi qua.

Việc nhiều nhà xe treo biển, bảng mang tính chất hỗ trợ nhân đạo, trong khi lại thu tiền người dân với giá cắt cổ, cao gấp 4- 5 lần ngày thường, không chỉ làm xói mòn lòng tin của người dân, mà còn gây nên những hiệu ứng không ngờ tới. Còn nhớ, trong ngày 1/8, một người sử dụng mạng xã hội viết lên group Hội đồng hương Huế ở Sài Gòn dòng chữ: “Vừa thấy hai xe có băng rôn tỉnh A đưa người dân về quê tránh dịch” lập tức, trên diễn đàn xuất hiện hàng trăm comment so sánh địa phương A với các địa phương khác. Hàng loạt lời chì chiết buông ra. Hình ảnh, niềm tin vào quê hương từ đó cũng trở nên méo mó. Trong khi đó, chẳng ai đặt hoài nghi đến bản chất của dòng chữ nằm trên xe.

Bài, ảnh: Quang Nhật