Trong những năm qua, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực cố gắng của đồng bào các dân tộc trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc, chính sách an sinh xã hội, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng ổn định và được cải thiện. Năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực này đạt từ 8-10%, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi giảm từ 2-4%, riêng các huyện nghèo giảm trên 4%.

Riêng Thừa Thiên Huế, dân số toàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi có gần 136 nghìn người; trong đó dân tộc thiểu số có gần 49 nghìn người. Đồng bào các dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở vùng núi của 2 huyện Nam Đông, A Lưới và một số xã ở Hương Trà, Phong Điền, Phú Lộc. Đây là những vùng tuy có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế, nhưng các điều kiện tự nhiên, xã hội còn nhiều khó khăn. Với nhiều chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, những năm gần đây nhiều chương trình, dự án lồng ghép đầu tư cho các địa phương. Chỉ tính riêng năm 2014, tổng kinh phí các chương trình, chính sách, dự án đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh hơn 48 tỷ đồng. Nhờ vậy, đời sống nhân dân vùng dân tộc, miền núi được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo còn 11,42%; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt, các công trình phúc lợi của Nhân dân ngày càng được hoàn thiện, góp phần hiện thực hoá các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Một thực tế đặt ra, tuy rất nhiều nguồn lực được tập trung đầu tư cho miền núi, vùng dân tộc thiểu số, nhưng tốc độ phát triển kinh tế xã hội ở các vùng này vẫn chậm hơn so mặt bằng chung của cả nước. Bên cạnh điều kiện tự nhiên không thuận lợi, trình độ dân trí thấp thì vấn đề sử dụng các nguồn vốn, nguồn nhân lực chưa hiệu quả là một trong những nguyên nhân quan trọng. Hiện tượng dự án chồng dự án không phải chưa xảy ra. Việc bố trí nguồn nhân lực vẫn còn theo kiểu đi nghĩa vụ hoặc bị kỷ luật. Trong khi đó, vùng càng khó khăn càng cần người có trình độ, tâm huyết cao để tạo sự bứt phá.
Để đầu tư hiệu quả cho miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người cần có quy hoạch tổng thể, thực hiện lồng ghép các dự án; có chính sách phù hợp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; trong đó chú trọng thu hút cán bộ tại chỗ, đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong mỗi dân tộc, từng làng bản, từng người dân, trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới...
Hoàng Giang