Vận động viên Yulimar Rojas của Venezuela ăn mừng kỷ lục thế giới mới. Ảnh: VNN

Không kém cú nhảy của Yulimar Rojas là bước chạy của vận động viên người Jamaica, Elaine Thompson - Herah khi hoàn thành cuộc đua 100m nữ với thành tích 10,61 giây, phá vỡ kỷ lục Olympic 10,62 giây tồn tại 33 năm, do chân chạy quá cố người Mỹ Florence Griffith Joyner lập tại Olympic Seoul 1988, qua đó cũng đưa cô lên vị trí thứ 2 trong danh sách các vận động viên nữ nhanh nhất mọi thời đại trên đường chạy 100m, xếp sau chính Griffith Joyner với kỷ lục thế giới 10,49 giây.

Giành được tấm huy chương vàng không chỉ là niềm vui của một vận động viên tham gia thi tài ở Olympic, mà còn là ước mơ của cả một đất nước. Hãy nhớ rằng, cho tới thời điểm này, Việt Nam mới chỉ có một tấm huy chương vàng duy nhất của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh có được cách đây 5 năm. Trên cả tấm huy chương vàng là kỷ lục Olympic và kỷ lục thế giới, được xem là siêu huy chương. Kỷ lục được định nghĩa là thành tích thể thao được chính thức công nhận vượt trên mọi kết quả trong cùng một môn mà các vận động viên cùng loại đã đạt tới. Cũng bởi nó “vượt lên tất cả mọi kết quả ” nên không khó lý giải khi chứng kiến bao kẻ, như Yulimar Rojas chẳng hạn, biểu lộ cảm xúc trào dâng chiến thắng.

Trong bối cảnh dịch bệnh đe dọa, Olympic Tokyo 2020 vẫn xuất hiện rất nhiều thành tích thi đấu phá kỷ lục Olympic và thế giới. Đường đua xanh (bơi lội) và đường piste (điền kinh) vẫn là nơi ghi dấu nhiều kỷ lục được phá bỏ. “Kình ngư” Caeleb Dressel (Mỹ) là ngôi sao sáng nhất Olympic Tokyo 2020 khi anh mang về cho đội tuyển bơi Mỹ tới 5 tấm huy chương vàng, trong đó có 4 kỷ lục Olympic và 2 kỷ lục thế giới.

Vẫn còn đó những kỷ lục sừng sững mà ở kỳ Olympic này dù có nhiều cố gắng, các vận viên hàng đầu thế giới đương đại cũng phải xin hẹn lại 4 năm sau. Tiêu biểu đó là trường hợp kỷ lục thế giới 9,58 giây của Usain Bolt (Jamaica) lập năm 2009 ở cự ly 100m môn điền kinh. Lamont Marcell Jacobs (Italia) trở thành người chạy nhanh nhất hành tinh và giành huy chương vàng nội dung chạy 100m nam ở Tokyo chỉ cán đích với thời gian 9, 80 giây. Nên biết rằng, kỷ lục ngày càng khó khăn khi mà sự so kè được tính đến mức 1/100 giây.

Có những kỷ lục được xác lập ở Tokyo không gắn liền với thứ hạng dẫn đầu mà đơn giản, đó là sự vượt qua chính mình. Ví như với đoàn thể thao Việt Nam, nguy cơ trắng tay về huy chương là một hiện hữu. Thế nhưng, với Quách Thị Lan lần đầu lọt vào bán kết 400m rào nữ ở môn điền kinh hay Nguyễn Huy Hoàng xếp thứ 5 vòng loại cự ly 1.000m môn bơi cũng đã là những kỷ lục đáng tự hào của thể thao Việt Nam rồi.

Với Tokyo 2020, người Nhật cũng đã lập hàng loạt kỷ lục trong điều kiện dịch COVID-19. Cũng bởi do ảnh hưởng của dịch bệnh mà lễ khai mạc diễn ra trên sân vận động có sức chứa tới 68 nghìn khán giả vỏn vẹn chỉ có 1.000 người được vào sân. Cũng vì dịch bệnh và không có khán giả nên dự kiến Tokyo 2020 lỗ đến 1,4 tỷ đô la, lập kỷ lục các kỳ Olympic về lỗ nặng. Thế nhưng, đi kèm với đó là một kỷ lục không gì đong đếm được về một kỳ Olympic vượt qua thách thức dịch bệnh, đem đến cho hàng tỷ con người trên thế giới niềm tin về thể thao đồng hành cùng con người vượt qua khó khăn và thách thức. 

ĐÌNH NAM