Ngay khi TP. Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Báo Thừa Thiên Huế lập tức vận động quyên góp, mua sắm hàng hóa gửi vào để kịp chia sẻ khó khăn với người dân. Hàng hóa được ưu tiên là thực phẩm, nhất là các đặc sản Huế và các loại củ quả có thể bảo quản được lâu. Hội đồng hương Huế ở Sài Gòn và các đồng nghiệp chúng tôi ở trong đó phải tốn nhiều công sức, huy động nhiều lực lượng và sử dụng nhiều phương thức mới chuyển đến được tận tay người dân đang gặp khó khăn ở các vùng phong tỏa, giãn cách.

Nhắc lại câu chuyện trên để thấy, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng là một quyết định khó khăn đối với chính quyền, nhưng không thể làm khác để kịp thời khống chế, dập tắt các ổ dịch. Đi kèm với việc thực hiện giãn cách xã hội là một loạt khó khăn đặt ra đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, làm đảo lộn cuộc sống của người dân…  Một trong những tác động rõ nhất khi người dân phải hạn chế ra đường, các chợ đầu mối, chợ dân sinh phải đóng cửa, nhất là những khu vực đang phải thực hiện cách ly là việc thiếu hụt nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Việc thiếu hụt này không hẳn do thiếu nguồn, bởi nhiều nơi nông sản, rau củ quả, thịt heo, thịt gà ứ đọng không tiêu thụ được, giá chạm đáy khiến người sản xuất, chăn nuôi lỗ nặng. Nguồn hàng dự trữ tại các nhà sản xuất, siêu thị, nhà phân phối cũng không thiếu, nhưng trong một số thời điểm, một số mặt hàng cũng bị thiếu hụt không cung ứng kịp do việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa đến các vùng dịch và người dân gặp khó khăn bởi phải thực hiện các quy định về phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, các bất cập trên được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương từng bước tháo gỡ, đến nay cơ bản đảm bảo việc lưu thông, cung ứng hàng hóa đến tận tay người dân vùng giãn cách. Đó là các giải pháp dán thẻ nhận diện luồng xanh cho xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu, kết nối giữa vùng sản xuất nông sản với thị trường theo nhóm hàng, mở lại có kiểm soát các chợ đầu mối, phát phiếu đi chợ dân sinh theo ngày, cấp thẻ hoạt động cho đội ngũ shipper, mở các điểm bán hàng lưu động, cố định, tận dụng tối đa thương mại điện tử; huy động các tổ COVID cộng đồng đi chợ giúp… Đi đôi với đó là các giải pháp kiểm soát thị trường, chống đầu cơ hàng hóa nên đến thời điểm hiện nay tình trạng khan hiếm hàng hóa ở các vùng giãn cách như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam cơ bản được giải quyết.

Với Thừa Thiên Huế, ngoài 3 siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích còn có chợ đầu mối Phú Hậu, chợ Đông Ba và hệ thống chợ dân sinh phân bổ đều khắp từ huyện, thị đến các xã, phường, thị trấn đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các chợ dân sinh là nơi có nhiều nguy cơ trở thành ổ dịch, phải ngừng hoạt động. Với thói quen mua sắm của người dân hiện nay, nếu đóng cửa các chợ sẽ gây nhiều xáo trộn trong đời sống hàng ngày.

 Trong những ngày qua, đã xuất hiện tâm lý mua hàng dự trữ đề phòng khi phải giãn cách xã hội. Đó là tâm lý bình thường, dù hàng hóa được khẳng định từ phía cơ quan chức năng là đảm bảo đủ cung cầu. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác chuẩn bị các phương án để lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân nếu phải thực hiện giãn cách xã hội. Theo đó, ngoài việc kết nối với các kênh phân phối trên toàn quốc, cần rà soát lại các vùng chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn tỉnh để tự bảo đảm nguồn cung tại chỗ, đề phòng đứt gãy chuỗi cung ứng. Đây cũng là giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, trồng trọt ở vùng có dịch. Đặc biệt là linh hoạt phương thức lưu thông, giúp người dân tiếp cận các nguồn lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu nhưng vẫn đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch. Phương án càng chi tiết thì việc lưu thông hàng hóa càng hiệu quả, tạo sự ổn định xã hội, góp phần phòng, chống dịch bệnh thành công.

Hoàng Minh