Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Thừa Thiên Huế thăm hỏi, tặng quà cho một gia đình nạn nhân ở thị xã Hương Thủy (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

 

Đau cả thể chất, tinh thần

Các di chứng của chất độc da cam gây ra cho con người đã được liên bộ Y tế, Lao động Thương binh và Xã hội quy định cụ thể với 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật như: Ung thư phế quản, khí quản, thanh quản, tiền liệt tuyến, phần mềm, ung thư gan nguyên phát, bệnh đau tủy xương ác tính, bệnh trứng cá do clo, bất thường sinh sản…Những bệnh, dị dạng, dị tật này đã gây nên những nỗi đau dai dẳng, bất hạnh, thương tâm cả về thể xác, tinh thần của nhiều nạn nhân và gia đình họ phải gánh chịu qua 2, 3 thế hệ. Mỗi nạn nhân là một nỗi đau riêng, kéo theo triên miên nỗi bất hạnh…

Cả hai vợ chồng ông Nguyễn Cải và bà Lương Thị Cước (xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền) đều nằm trong vùng bị nhiễm chất độc hóa học. Hai ông bà sinh được 3 người con (2 gái, 1 trai). Hai cô con gái bình thường. Riêng cậu con trai năm nay đã 37 tuổi nhưng cân nặng chỉ được khoảng 15 kg, chân tay co quắp, đầu vẹo một bên không cử động được, mắt mờ, tai điếc. Với thể trạng đó, mọi sinh hoạt của đứa con trai duy nhất này đều do hai vợ chồng phải thay nhau chăm sóc. Gần chục năm trước, ông Cải mất do di chứng của chất độc da cam. Từ đó đến nay, bà Cước một mình bươn chải để kiếm sống và là người nuôi dưỡng, chăm sóc cho đứa con trai bất hạnh này...

Hoàn cảnh gia đình ông Trần Văn Dưi (xã Thượng Long, huyện Nam Đông) càng thương tâm hơn. Bản thân ông Dưi bị nhiễm chất độc da cam, biến chứng nên đi lại rất khó khăn. Vợ chồng ông có 3 người con thì cả 3 đều bị dị tật: Chân tay co quắp, cứng đơ, không thể tự mình di chuyển như người bình thường được. Mọi chi tiêu cho sinh hoạt gia đình chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp hàng tháng mà ông Dưi nhận được theo chế độ và những ngày bươn chải nương rẫy của người vợ. Cứ vậy, ngày nối ngày đi qua những con người khổ đau quá thừa ấy và dày vò họ cả thể xác lẫn tinh thần – Sự đớn đau chỉ có… chết mới kết thúc.

Thương vậy! Nhưng những con người ấy chỉ là một trong hơn 18.500 người bị phơi nhiễm chất độc da cam ở tỉnh Thừa Thiên Huế và hơn 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam/đioxin trên cả nước Việt Nam.

Xoa dịu nỗi đau

Ngay sau khi cuộc chiến tranh kết thúc đến nay, Đảng, Chính phủ, các ngành chức năng ở Việt Nam đã có những quan tâm về chính sách, chế độ cho những nạn nhân chất độc da cam. Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các cấp cũng đã phát động nhiều phong trào, nhiều lời kêu gọi từ lòng hảo tâm của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước… để huy động thêm nguồn lực giúp đỡ cho các nạn nhân da cam. Từ các phong trào này, những năm qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đã huy động được trên 2.600 tỷ đồng, góp phần giúp đỡ nạn nhân và gia đình họ giảm bớt khó khăn, vơi đi nỗi đau, vươn lên hòa nhập cộng đồng.     

Tuy nhiên, để có thể giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ một cách bền vững, lâu dài, thiết nghĩ Nhà nước và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp phải tính đến phương án hình thành “Quỹ vốn vay lãi suất 0%”. Nguồn vốn này sẽ là “điểm tựa” tin cậy để những hộ gia đình nạn nhân còn sức lao động, được vay vốn để cải thiện sinh kế. Cùng với đó, về mặt pháp lý, chúng ta phải kiên trì, tiếp tục ủng hộ vụ kiện của bà Tố Nga cả về vật chất và tinh thần để đòi lại công lý cho những nạn nhân chất độc da cam. Nỗ lực này góp thêm tiếng nói yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ phải nghiêm túc nhìn nhận đây là một sự thật. Từ đó, buộc các tập đoàn hóa chất của Mỹ đền bù thỏa đáng không chỉ cho các nạn nhân da cam ở Việt Nam, mà cho cả các cựu binh Mỹ đã từng tham chiến ở những nơi bị rải chất độc hóa học trong chiến tranh tại Việt Nam.

“Có nỗi đau nào hơn nỗi đau da cam?”. Câu hỏi ấy day dứt mãi không thôi khi chúng ta còn phải chứng kiến nhiều thế hệ con cháu của nạn nhân chất độc da cam chịu đớn đau vì những di chứng từ ông cha. “Chúng ta sẽ làm hết sức mình, kể cả vận động quốc tế, xã hội hóa nguồn lực, cùng ngân sách Nhà nước để có nguồn lực cho Hội Nạn nhân chất độc da cam và những người bị nhiễm chất độc hóa học có điều kiện sống tốt hơn” – Đó là lời khẳng định của nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với Trung ương Hội Nạn nhân chất  độc da cam/dioxin Việt Nam vào đầu năm 2021. Và nay, điều đó vẫn còn sáng rõ ý nghĩa và chúng ta tiếp tục lan tỏa.

Bài, ảnh: HỮU QUYẾT