Mỹ và Hàn Quốc hợp tác giải quyết vấn đề liên quan đến Triều Tiên. Ảnh minh họa: Reuters/TTXVN/Vietnam+

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh trong khi các đồng minh đều muốn Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và chấm dứt các chương trình phóng tên lửa, hai nước đều có lúc xảy ra bất đồng trong cách tiếp cận. Trong đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mong muốn xây dựng quan hệ kinh tế giữa hai miền Triều Tiên, trong khi phía Mỹ từ lâu đã khẳng định cách tiếp cận đầu tiên là hành động phi hạt nhân hóa.

Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, trong cuộc điện đàm, hai vị lãnh đạo của Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí tiến hành các cuộc thảo luận chi tiết hơn về cách thức hợp tác với Triều Tiên. Cụ thể, hai vị bộ trưởng nhất trí triển khai các nỗ lực ngoại giao phối hợp... để đạt được những tiến bộ đáng kể, hướng đến mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cũng cho biết trong một tuyên bố rằng Mỹ hoàn toàn ủng hộ nỗ lực đối thoại, hợp tác và hòa giải giữa hai miền Triều Tiên và khẳng định tầm quan trọng của liên minh Hàn Quốc – Mỹ đối với mục tiêu chung này.

Trong một thông tin có liên quan, mới đây, Phó đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Jung Pak và các quan chức từ Bộ Ngoại giao, Bộ Thống nhất, Văn phòng Tổng thống và Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc cũng có cuộc tham vấn cấp cao tại Seoul. Trong khuôn khổ buổi họp, các lãnh đạo đã bàn luận về tình hình hiện tại trên Bán đảo Triều Tiên, triển vọng hợp tác nhân đạo và phối hợp về những vấn đề của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên với các bên liên quan tại các diễn đàn đa phương khác, bao gồm cả hợp tác ba bên Mỹ - Hàn – Nhật.

Được biết, kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020, Bình Nhưỡng đã đóng cửa biên giới, dù đến nay Triều Tiên vẫn chưa xác nhận ca nhiễm COVID-19 nào. Tuy nhiên, hiện Triều Tiên đang gặp khó khăn trong vấn đề đảm bảo nguồn lương thực và vaccine cho người dân.

Ngoài ra, ngày 6/8, Bộ trưởng Ngoại giao Chung Eui-yong tham gia Diễn đàn khu vực của ASEAN (ARF) lần thứ 28 khi Hàn Quốc đang tìm cách đảm bảo sự ủng hộ của toàn cầu cho các nỗ lực nối lại đối thoại với Triều Tiên sau khi đường dây nóng giữa hai nước được phục hồi vào tuần trước.

Đây là sự kiện hiếm hoi có sự tham gia của đại diện phía Triều Tiên, mà cụ thể lần này là Đại sứ Triều Tiên tại Indonesia An Kwang-il. Hiện vẫn chưa chắc chắn rằng Đại sứ An có đưa ra thông điệp nào về nỗ lực của phía Hàn Quốc hay không, song vẫn có hy vọng rằng với sự tham gia của 27 quốc gia, bao gồm cả Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu, Bình Nhưỡng có thể quay trở lại bàn đàm phán.

HẠNH NHI

(Lược dịch từ Reuters & Yonhap)