Công ty Scavi Huế sẵn sàng giải quyết việc làm và hỗ trợ chính sách đặc biệt đối với lao động trong ngành may hồi hương và lao động tại địa phương

Mời gọi lao động “hồi hương” và tại chỗ

“Đồng hành với chính quyền Thừa Thiên Huế trong công cuộc đón người dân ngoại tỉnh trở về quê nhà, Công ty Scavi Huế mong muốn được chung tay san sẻ những khó khăn của các thành viên ngành may mặc ở xa quê nay quyết định trở về quê hương lập nghiệp bằng việc áp dụng các chính sách hỗ trợ đối với lao động may có tay nghề đã sinh sống và làm việc tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước nay trở về Thừa Thiên Huế và vào làm việc tại Công ty Scavi Huế...” là một đoạn trong thư ngỏ của Tập đoàn Scavi, Công ty Scavi Huế tại KCN Phong Điền gửi đến toàn bộ lao động ngành may đang và sẽ trở về Huế.

Thư ngỏ của công ty được phát đi vào ngày 2/8 với nội dung sẵn sàng hỗ trợ người lao động đang làm ăn, sinh sống ở ngoại tỉnh trở về có công việc, tương lai ổn định tại quê nhà. Để thu hút lao động vào làm việc tại công ty, đơn vị quyết định áp dụng một số cơ chế hỗ trợ hấp dẫn, gồm: hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm PCR trước khi vào làm việc tại Scavi Huế; hỗ trợ nóng 5 triệu đồng đối với công nhân may có tay nghề ký hợp đồng lao động chính thức với công ty nhằm giúp ổn định cuộc sống ban đầu; áp dụng chính sách đánh giá tay nghề linh hoạt, ký hợp đồng chính thức và áp dụng mức lương cao tương đương với bậc tay nghề. Công ty Scavi Huế cũng thưởng thêm 3 triệu đồng cộng vào khoản thưởng lương “tháng 13” năm 2021, nhằm hỗ trợ người lao động đón tết sum vầy.

 Anh Nguyễn Văn Vĩnh, quê Phong An (Phong Điền) là công nhân ngành may ở TP. Hồ Chí Minh vừa ra Huế “tránh dịch” và đang ở khu cách ly sau khi đọc được thông tin tuyển dụng lao động này của Công ty Scavi Huế khá vui mừng, vì không phải xa quê và có được việc làm, thu nhập ổn định sau khi hoàn thành cách ly.

Công ty Scavi Huế sẵn sàng giải quyết việc làm và hỗ trợ chính sách đặc biệt đối với lao động trong ngành may hồi hương và lao động tại địa phương

Đại diện Công ty Scavi Huế cho biết, các nhà máy của công ty tại KCN Phong Điền có quy mô khoảng 8.000 vị trí việc làm. Hiện, số lượng công nhân của công ty khoảng 7.000 người, nên đơn vị cần tuyển thêm khoảng 1.000 lao động để đáp ứng dây chuyền sản xuất. Khoảng cuối năm 2021, Công ty Scavi Huế sẽ khởi công xây dựng khu nhà máy may tiếp theo tại xã Quảng Vinh (Quảng Điền) và dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 4/2022, với tổng số lao động cần tuyển dụng là 8.400 người. Đây là cơ hội để người lao động trên địa bàn tỉnh và những người trở về quê hương do ảnh hưởng của dịch COVID-19 có việc làm ổn định.

 Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, từ đầu đợt dịch lần thứ 4 đến nay, toàn tỉnh có khoảng 300 doanh nghiệp (DN) dừng hoạt động; 7.504/92.130 lao động bị dừng việc làm, mất việc làm. Theo báo cáo của Ban quản lý Khu kinh tế, Khu công nghiệp tỉnh, các DN hoạt động tại các KCN, khu kinh tế cơ bản duy trì hoạt động. Số người lao động mất việc, giảm việc không đáng kể.

 Kết nối cung - cầu lao động

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 5.182 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp từ người lao động, với tổng số tiền 74,6 tỷ đồng. Có 322 lao động được hỗ trợ học nghề theo diện lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đối với lao động là người địa phương đang làm việc ngoại tỉnh, theo thống kê của Sở LĐTB&XH, hiện có khoảng 95.365 người; trong đó, tại 18 tỉnh, thành phía nam là 56.021 người. Riêng ở TP. Hồ Chí Minh là 50.566 người. Trong số này, có hơn 31.000 người lao động có giao kết hợp đồng lao động.

Tính đến hết ngày 5/8, trên địa bàn toàn tỉnh có 15.846 trường hợp đang cách ly tại các cơ sở y tế, khu cách ly tập trung và nơi lưu trú. Trong số này phần nhiều là lao động đang làm việc tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam hồi hương. Ngoài ra, từ ngày 28/4 đến nay, đã có 35.422 người từ các tỉnh, thành phố có dịch trở về không thuộc diện cách ly tập trung.

Theo ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, hiện nay, ngoài Công ty Scavi Huế, còn có nhiều DN may mặc lớn trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động, như: Công ty dệt may Thiên An Phú, Phú Hòa An, HBI, Jointwell Việt Nam… Để kết nối cung cầu lao động, thời gian qua, bằng nhiều hình thức, kênh thông tin, trung tâm đã kết nối cung cầu lao động, tìm kiếm, giới thiệu nhiều vị trí việc làm.

Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành nghề, mà “ngấm” trực tiếp là người lao động, DN. Việc tạo việc làm, ổn định sinh kế cho người dân nói chung, đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nói riêng đang là mối quan tâm bức bách. Đới với lao động trở về từ các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, bên cạnh thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, các địa phương nghiên cứu những giải pháp hữu hiệu nhất để tạo việc làm cho người lao động có nhu cầu ở lại làm việc tại quê hương. Ngành LĐTB&XH phối hợp với các địa phương trên địa bàn rà soát, thống kê số lượng, ngành nghề, trình độ tay nghề đối với lao động làm việc từ ngoại tỉnh trở về; đồng thời nắm thông tin nhu cầu tuyển dụng của các DN trên địa bàn để kết nối đơn vị tuyển dụng với người lao động, nhằm giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

 Đối với lực lượng lao động tự do, lao động mong muốn chuyển đổi ngành nghề, tỉnh cũng sẽ vận dụng tối đa các chính sách hiện có, trong đó bao gồm Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ người lao động học nghề, nâng cao tay nghề để sớm quay lại thị trường lao động.

Bài, ảnh: MINH THƯƠNG