Chợ truyền thống vẫn được nhiều người lựa chọn để giao thương
Không “lép vế”
Cửa hàng tạp hóa Hiển Nhơn (đường Đinh Tiên Hoàng, TP. Huế) gần 10 nhân viên bán hàng nhưng không lúc nào ngơi tay, vì lượng khách vào mua hàng trăm lượt/ngày.
Chị Nguyễn Thị Ánh, ở đường Lê Thánh Tôn, TP. Huế, một khách hàng thường xuyên của cửa hàng này chia sẻ, hàng hóa hầu hết do các đại lý phân phối của nhà sản xuất giao tận nơi nên chị yên tâm về nguồn gốc, chất lượng. Giá bán ở đây cũng thường thấp hơn các siêu thị. Dù biết siêu thị có đầy đủ các mặt hàng, nhưng vì không có thời gian, nên chị thường ghé tạp hóa gần nhà để mua các đồ dùng thiết yếu, còn rau củ, thịt cá thì ghé chợ truyền thống thuận tiện hơn.
Cửa hàng chị Kim Quy trên đường đường Bùi Thị Xuân gần chợ Phường Đúc, TP. Huế tuy đang cạnh tranh với siêu thị mini Vinmart+ vừa mới mở gần đó, nhưng lượng khách hàng của chị Quy chẳng vơi. Cửa hàng tuy nhỏ, nhưng chẳng thiếu mặt hàng gì. Quan trọng là chị Quy đã có lượng khách hàng quen thuộc từ hàng chục năm nay, nên biết được nhu cầu và mặt hàng ưa thích của họ. Thậm chí, chị có thể cho nhiều khách quen mua chịu, nợ tiền vài hôm. Đó là cách mà cửa hàng chị Quy ít khi vắng khách.
Thời gian qua, chuỗi cửa hàng tiện lợi của Vinmart+ mọc lên khắp nơi trên địa bàn TP. Huế. Tuy nhiên, các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa vẫn không vì thế mà “lép vế”. Lợi thế hơn cả là ở khu vực nông thôn, hình thức mua bán này vẫn tồn tại và phát triển hiệu quả, nhất là khi dân số ở khu vực nông thôn vẫn chiếm số đông với gần 70% dân số toàn tỉnh.
Hiện nay, các quầy hàng kinh doanh nhỏ lẻ hay tại các chợ đều thực hiện việc niêm yết giá bán trên sản phẩm. Vì thế, người mua không lo bị nói thách, mua hớ. Sản phẩm được nhập bán ở các điểm bán lẻ, sạp hàng ở chợ đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phong phú hàng nội lẫn hàng ngoại và chất lượng tương đồng như ở các cửa hiệu, siêu thị...
Đa dạng hóa sản phẩm, hình thức kinh doanh truyền thống
Chị Hồ Thị Na ở phường Vỹ Dạ, sở hữu hai sạp hàng bán giày dép có vị trí đắc địa trong khu vực chợ Đông Ba. Với nhiều sản phẩm đa dạng, sạp hàng của chị trước đây phần lớn phục vụ nhu cầu cho sinh viên, học sinh hoặc bán cho các tiểu thương ở các huyện mua về bán lại. Tuy nhiên 2 năm qua, do ảnh hưởng dịch COVID-19 cùng với sự lên ngôi của shop, cửa hàng tiện lợi... khiến lượng khách đến mua tại sạp ít dần.
Không để việc kinh doanh chững lại, chị Na quyết định vừa bán hàng tại quầy, vừa mở song song trang bán hàng online trên facebook để tìm kiếm khách hàng mới.
Đến nay, không chỉ bán giày dép, chị Na còn kinh doanh thêm một số mặt hàng đồ gia dụng. “Người mua muốn tìm giày dép, đồ dùng như thế nào thì chỉ cần nhắn tin trên facebook, tôi sẽ tư vấn kiểu dáng, size, giá cả và còn hỗ trợ ship tận nhà. Người mua có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản ngân hàng đều được. Công việc buôn bán từ đó được nhiều người biết đến hơn, thu nhập cũng ổn định”, chị Na cho biết.
Kênh bán lẻ truyền thống đã và đang có những thay đổi tích cực, như sử dụng thanh toán điện tử, kết hợp cả bán hàng tận nhà với quản lý tân cửa hàng, cố gắng tiếp cận xu hướng hiện đại từ trưng bày, giới thiệu hàng hóa, kết nối phản ánh người tiêu dùng với nhà sản xuất. Hiện nay, không khó để bắt gặp các cửa hàng tạp hóa truyền thống sử dụng phần mềm quản lý bán hàng. Với phương thức này, chủ cửa hàng có thể truy cập dữ liệu bán hàng mọi lúc mọi nơi, cập nhật giá bán, xác nhận đơn hàng bán ra nhanh chóng và thuận tiện...
Theo chủ cửa hàng tạp hóa ở đường Hùng Vương, nhờ sử dụng phần mềm quản lý bán hàng mà cửa hàng kiểm soát chặt chẽ được số lượng các loại hàng hóa, biết được mặt hàng nào cần phải nhập thêm, mặt hàng nào doanh thu thấp... từ đó đưa ra các lựa chọn hợp lý trong việc nhập hàng. Việc tính tiền cho khách bằng hệ thống máy tính cũng tránh được sai sót.
Để giữ vững được thị phần, các mô hình bán lẻ truyền thống cần tiếp tục tận dụng lợi thế sẵn có, trang bị thêm kiến thức; cập nhật, ứng dụng công nghệ mới trong việc quản lý hàng hóa, cắt giảm bớt khâu trung gian... Đây cũng là một xu thế kinh doanh phù hợp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Điều quan trọng nữa là cần giữ uy tín, bảo đảm chất lượng hàng hóa, “nói không” với hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng để thu hút khách hàng.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, khai thác chợ truyền thống, thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Phấn đấu đến năm 2025, sẽ có thêm 19 chợ được chuyển đổi mô hình quản lý mới và 25 chợ được công nhận chợ văn minh thương mại.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG