Bạn trẻ check-in ở phố đi bộ. Photo: Phan Thành

Có sao đâu. Một đời sống phóng khoáng cũng tốt chứ sao !

Chiều đi làm về, con gái 18 tuổi của tôi lấy hai tay vuốt dựng mái tóc lên bên hai mang tai. Nó nói, con mới đi làm tóc nè.

Tôi thấy chỉ một phần bên trong được nhuộm màu lam trắng. Bên ngoài tóc vẫn để đen. Tôi hỏi nhuộm tóc ở bên trong thế thì ai thấy được màu nhuộm mà nhuộm cho tốn tiền. Nó bảo có kẹp tóc kẹp lên chứ ! Hot triend (xu hướng) mà.

Thì ra là thế !

Nó kể một chuyện khác. Lớp con vui lắm (nó mới học năm nhất Trường đại học FPT Đà Nẵng). Mỗi khi lên lớp, giảng viên chẳng bao giờ nhắc nhở về chuyện tóc tai hay ăn mặc như thế nào; thậm chí là tranh luận “ngang xương” với nhau về một chủ đề nào đó, kể cả tranh luận với cô thầy giáo cũng được khuyến khích.

Đây có thể gọi là một cách giáo dục phóng khoáng. Làm gì thì làm, miễn làm đúng nội quy quy định; mục tiêu là thu nhận kiến thức nhiều nhất, trải nghiệm nhiều nhất, có năng lực thực hành cao nhất… Học lơ mơ, thi không qua môn, muốn tiếp tục học thì phải nộp thêm tiền. Thế thôi! Tôi cảm nhận được một sự thay đổi nơi con mình: nhanh nhẹn hơn, hoạt bát hơn và cũng có phần tự tin hơn. Cái chuyện ăn mặc cũng khác hơn so với một năm trước.

Không phải mục đích của tôi là để nói về con mình như thế nào mà để nói về lớp trẻ bây giờ. Lớp trẻ bây giờ có một cách nghĩ, cách sống, cách học, cách làm khác rất xa so với chừng hơn mười năm trước. Mà cũng đúng thôi, điều kiện kinh tế, xã hội đã đổi thay thì chúng cũng phải hội nhập chứ sao!

Buổi sáng quan sát một số quán cà phê, nước ép trái cây, buổi tối quan sát những quán ăn tuổi teen ở phố đi bộ (TP.Huế)… sẽ thấy chúng khác biệt như thế nào. Trước tiên là cách ăn mặc, trang điểm, tóc tai. Đủ kiểu, đủ thể loại. Bó chật có, rộng thùng thình có. Cách phối màu cũng đủ kiểu. Nhưng nói chung là toát lên một sự trẻ trung, sôi nổi, đề cao sở thích cá nhân. Thế hệ trước sống theo kiểu này rất hiếm. Ai khác biệt có thể sẽ bị “dèm pha” - con bé ấy, thằng con trai kia thế này thế nọ. Nhưng lớp trẻ bây giờ phổ biến là hình thành một tính cách như nhau - đề cao sở thích cá nhân. Mà sở thích cá nhân thì không ai giống ai. Trào lưu này đến, tồn tại rồi đi. Trào lưu khác tới, thay đổi liên tục. Nhưng không phải ai cũng đều thay đổi như nhau cho nên nó mới sinh ra nhiều kiểu cách, nhiều cải biên. Tôi gọi đó là cuộc sống phóng khoáng của lớp trẻ.

Còn về nội dung bên trong thì sao (tạm gọi là nó ẩn chứa bên trong cách nghĩ, cách học, suy nghĩ, sở thích, tâm hồn…). Tôi nhận thấy lớp trẻ bây giờ phóng khoáng theo kiểu sinh động hơn, giỏi giang hơn, đẹp đẽ hơn, khác biệt hơn, đa dạng hơn, muốn một đời sống tự lập sớm hơn… là chủ yếu. Phổ biến, tôi rất ít nhận thấy ở lớp trẻ phóng khoáng theo chiều hướng xấu đi. Tất nhiên cũng không loại trừ những trường hợp ngược lại nhưng đó là số ít, rất ít. Mà như thế thì xã hội nào chẳng có.

Lớp trẻ đi theo trào lưu là một biểu hiện tốt. Chúng nhận thấy cái đẹp, cái mới chứ chưa hẳn là chạy theo xu hướng. Chúng hội nhập (cách giáo dục, cách sống…) nên chúng tiếp nhận được nhiều điều mới mẻ. Những điều mới mẻ làm cho chúng hứng khởi. Ban đầu là đi theo. Sau đó là chắt lọc lại cái gì, điều gì phù hợp. Phóng khoáng như thế thì cũng mong lắm thay !

Khi chưa bị dịch bệnh, xuống phố đi bộ. Phố này khách Tây du lịch đi chơi đêm nhiều. Khách “ta” là tuổi trẻ, nhìn thấy sự trẻ trung, sôi động, giỏi giang chẳng khác gì Tây. Chúng tự tin giao tiếp bằng nhiều thứ tiếng ngoại quốc. Chúng là sinh viên đi làm thêm để có thêm thu nhập, góp tiền nhau lại để thực hiện các loại dịch vụ, đặc biệt là có thêm nhiều trải nghiệm. Nói chung, cảm nhận rất rõ là chúng làm mọi cách để hội nhập. Cuộc sống phóng khoáng như vậy cũng là đáng quý.

Khác biệt về hình thức bên ngoài nhưng bên trong chứa đựng một khát khao học hỏi; tích lũy để có thêm nhiều kiến thức và trải nghiệm; để có thêm nhiều thứ cần thiết cho hành trang cuộc sống sau này.

 Lê Bình Phương