Mấy ngày gần đây, dư luận phẫn nộ khi một tờ báo tung tin “23 người Huế” từ phía nam về quê tránh dịch không được tiếp nhận và phải quay đầu “cầu cứu” với công an Đà Nẵng (!??).

Thông tin sau khi đăng tải đã làm dậy sóng dư luận. Người không bình tĩnh, thiếu thiện cảm với Huế thì chê trách, đâm thọc, xỏ xiên Huế. Số thiếu thiện chí, muốn đục nước béo cò thì đương nhiên không bao giờ bỏ qua cơ hội để đẩy vấn đề đi thật xa. Họ lập tức lên tiếng dạy khôn chính quyền, dạy khôn truyền thông, đả kích thế này, kích động thế khác, mục đích không gì khác hơn là hòng làm cho mọi người có cái nhìn thật méo mó, thật xấu xí về chế độ.

Trong lúc đó, những ai tỉnh táo, có lương tri thì chỉ đọc qua thôi cũng thấy “ngờ ngợ” liền. Những câu hỏi cần phải đặt ra ngay là tại sao Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1063/CĐ-TTg yêu cầu “Ai ở đâu ở đấy”, tỉnh Thừa Thiên Huế và nhiều địa phương khác cũng đã có thông báo rộng rãi việc chấp hành công điện của Thủ tướng, dừng việc tiếp nhận mà bây giờ lại vẫn tiếp tục xuất hiện người về từ vùng có dịch? Hẳn phải có cái gì khuất tất, “sai sai” ở đây. Và làm sao mà Huế lại quay lưng với người Huế trong lúc Huế là một trong những địa phương sớm nhất trong cả nước chuyển những chuyến hàng nặng tình nặng nghĩa vào giúp TP. Hồ Chí Minh chống dịch. Bài học truyền thông về vụ người Huế “bị ga Huế từ chối” cách đây chưa lâu, chẳng lẽ không khiến tác giả và tòa soạn giật mình?!!

Bản chất vụ “23 người Huế cầu cứu công an Đà Nẵng” là thế nào thì không cần nói có lẽ ai cũng rõ. Tờ báo kia cũng đã lặng lẽ thay tít sửa nội dung và “đính chính”... Song,  dư luận thì vẫn đang đòi hỏi một lời xin lỗi đàng hoàng với Huế… Xin lỗi hoặc không xin lỗi thì chưa biết, nhưng chắc hẳn cơ quan có thẩm quyền sẽ không thể không có ý kiến với câu chuyện chẳng mấy hay ho này.

Nhân đây chúng tôi muốn nhắc lại suy nghĩ và quan điểm của mình về truyền thông trong phòng chống COVID-19. “Chống dịch như chống giặc!” - Điều này đã được Chính phủ xác định và quán triệt từ sớm. Mà đã chống giặc thì nhất thiết phải cùng nhìn về một hướng, cùng đồng tâm hợp lực thì mới có thể giành chiến thắng. Trong đó, công tác tư tưởng - với báo chí là đội quân tiên phong - bao giờ cũng đóng vai trò quyết định then chốt. Bởi tư tưởng không thông thì không thể thống nhất ý chí, không thể thắng được giặc. Người cầm bút phải rất bản lĩnh, rất nhạy bén trong cuộc chiến này. Tiêu chí đầu tiên của báo chí là sự chân xác, song trong “thời chiến” thì không phải sự chân xác nào cũng phải thông tin mà rất cần có sự cân nhắc. Thông tin ấy có lợi cho sự nghiệp chung hay không, thông tin vào thời điểm nào là phù hợp…

Những thông tin có thật, chân xác đã cần phải như vậy. Đằng này, thông tin không đúng, chưa được kiểm chứng, không có lợi cho sự nghiệp chung vẫn được viết, vẫn được phê duyệt và tung lên giữa lúc công cuộc chống giặc COVID-19 đang nước sôi lửa bỏng; và cũng ngay lập tức mạng xã hội đã chộp lấy để loạn bàn, để thêu dệt, để kích động. Có kỷ luật “thời chiến” nào chấp nhận điều này không?

Đại dịch COVID-19 đã bùng phát đến đợt thứ 4, mọi người dù là bình thường nhất cũng đã quá hiểu, quá ý thức mình phải làm gì để chung tay chống dịch. Chỉ những kẻ muốn phá hoại mới tung tin đồn nhảm, gây tổn hại đến công cuộc chống dịch, giành lại cuộc sống bình yên cho mọi người. Đó là ý kiến của một người dân từ Hòa Bình gửi đến VOV trong chương trình phát thanh trực tiếp trưa ngày 6/8 khiến tôi nghe mà không khỏi giật mình. Bởi nếu tác nghiệp không cẩn thận, có khi một tờ báo chính thống cũng sẽ bị công chúng coi là “kẻ phá hoại”!

Diên Thống