Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật. Ảnh: THÁI HÙNG

Trước tiên, xin chúc mừng ông trên cương vị mới. Ông có thể chia sẻ suy nghĩ của mình với vai trò là Chủ tịch UBND TP. Huế và những dự định sắp tới?

Bản thân tôi nhận nhiệm vụ đúng vào thời điểm hết sức quan trọng, khi thành phố được điều chỉnh, mở rộng theo Nghị quyết 1264 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội. Đây vừa là niềm vinh dự đối với bản thân, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề trước Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Huế.

Năm 2021, TP. Huế tiếp tục mục tiêu “kép”, vừa phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế. Việc triển khai hiệu quả các dự án (DA) đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Trung ương, tỉnh được thực hiện quyết liệt và là điều kiện tiên quyết để phát triển đô thị động lực trung tâm.

Phát huy những kết quả đạt được trong chỉnh trang đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị, thành phố tiếp tục tập trung thực hiện các chương trình, DA trọng điểm đảm bảo hạ tầng thiết yếu, đồng bộ giữa các khu vực của thành phố hướng đến là đô thị động lực trung tâm, là trung tâm hành chính, tri thức, công nghệ thúc đẩy kinh tế phát triển.

Thành phố Huế ưu tiên đầu tư hạ tầng thiết yếu. Ảnh: NGUYỄN PHONG

Thành phố Huế mở rộng từ 70,67km2 lên 265,99km2 là cơ hội lớn góp phần bảo tồn các giá trị di sản, phát triển kinh tế - xã hội. Với lần mở rộng này, đâu là cơ hội, đâu là khó khăn cho Huế, thưa ông?

Việc mở rộng quy mô đất đai, dân số tạo cho TP. Huế nhiều cơ hội để phát triển, cùng với diện tích đất tăng lên gấp 3,7 lần và dân số tăng lên gần gấp đôi, chiếm 1/2 dân số toàn tỉnh. Những tài nguyên khoáng sản, đặc điểm địa lý, dân số và các giá trị di sản đang tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, việc mở rộng thành phố là cơ hội để Huế tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được Trung ương và tỉnh giao, nhất là công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; đồng thời tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển với sự đa dạng địa hình núi, biển và đầm phá. Đây là một lợi thế rất lớn.

Bên cạnh những cơ hội để vươn tầm phát triển, TP. Huế sau khi mở rộng cũng đứng trước những thách thức. Cũng với “bộ máy” đó, nhưng thành phố phải thực hiện nhiệm vụ quản lý, phục vụ dân cư hơn 652.000 dân, diện tích gần 266km2. Phần lớn bộ máy của thành phố được thiết kế để quản lý phạm vi thành phố cũ, việc mở rộng này với nhiều đặc điểm mới mà trước đây chưa có.

Điển hình như, kinh tế đầm phá, biển, ngành nông nghiệp vốn trước đây là một lĩnh vực không phải là thế mạnh của thành phố; công tác phòng, chống thiên tai, bão lũ ở 13 địa bàn vừa sáp nhập cũng là một vấn đề lớn. Một thách thức nữa là việc phát huy hết các tiềm năng của các dư địa phát triển, vừa đảm bảo tính ổn định, hài hòa và bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của tỉnh, hình thành một đô thị “mẫu mực”... Yêu cầu đặt ra là làm sao nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, đầu tư chỉnh trang hạ tầng với sự đa dạng về đô thị, nông thôn trong điều kiện thực hiện tốt công tác phòng dịch COVID-19.

Những vấn đề TP cần tập trung giải quyết trước mắt là gì, thưa ông?

Trước mắt, thành phố sẽ tập trung 4 nhiệm vụ cơ bản, đó là quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, các nhiệm vụ trọng tâm theo Chương trình hành động của tỉnh, thành phố. Tập trung giải quyết các vấn đề phát sinh khi thực hiện Nghị quyết 1264/NQ-UBTVQH14 nhằm ổn định dân cư, đặc biệt là các xã, phường vừa mới sáp nhập vào thành phố. Triển khai hiệu quả chương trình và DA trọng điểm của thành phố, như DA di dời dân cư khu vực I di tích Kinh thành Huế, các DA về chỉnh trang đô thị, ưu tiên nguồn lực để đầu tư chỉnh trang, ổn định bộ máy, tạo sự thông suốt tại các địa bàn vừa sáp nhập…

TP. Huế sẽ tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu. Ảnh: ĐĂNG TUYÊN

Hiện, khu vực trung tâm có tốc độ phát triển đô thị nhanh, tuy nhiên kết cấu hạ tầng đô thị ở khu vực vùng ven lại chưa tương xứng nên cần quan tâm đến hệ thống hạ tầng thiết yếu. Thành phố đã thành lập các tổ công tác đánh giá vấn đề này để định hướng đầu tư trong năm nay cũng như các năm tiếp theo, nhằm tạo sự kết nối đồng bộ về hạ tầng giữa các địa phương cũ và mới.

Việc đầu tư, đô thị hóa cũng cần có một mô hình và lộ trình phù hợp, không “bê tông hóa” ồ ạt, đảm bảo phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa bảo tồn và phát triển, giữa cái cũ và cái mới… Tất cả những vấn đề ấy là bài toán cho thấy việc phát triển đô thị cần được cân nhắc kỹ lưỡng đảm bảo định hướng phát triển Thừa Thiên Huế là đô thị di sản trong tương lai.

Ông có thể phác thảo diện mạo kinh tế - xã hội của thành phố mở rộng?

Việc mở rộng thành phố chỉ là bước khởi đầu cho quá trình phát triển trong giai đoạn mới. Hiện, thành phố không chỉ là vùng đồng bằng lấy sông Hương làm trung tâm mà sẽ trở thành đô thị có đủ địa hình biển, đầm phá và núi, có thể phát huy nhiều thế mạnh. Quy mô, cơ cấu kinh tế, phát triển ngành, các định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội sẽ có nhiều sự thay đổi.

Huế đang chuyển mình một cách mạnh mẽ; tuy nhiên vẫn luôn kiên định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững song song với bảo vệ môi trường, cảnh quan, giữ vững Huế “xanh – sạch – sáng – thông minh”… Nhiều chương trình, DA, chiến lược mà thành phố đã, đang và sẽ thực hiện sẽ tạo diện mạo đô thị Huế phát triển toàn diện, khởi sắc, ngày càng đẹp hơn, xanh hơn và gắn với lợi ích lâu dài của Nhân dân.

Mở rộng Huế là bước khởi đầu cho việc đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, vậy mục tiêu cần đạt được là gì?

Năm 2021 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết 54/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào trước 2025, với “lõi trung tâm” là TP. Huế mở rộng.

Vai trò của TP. Huế khi mở rộng được tỉnh và thành phố xác định rất rõ. Nếu như trước đây, TP. Huế đóng vai trò là trung tâm văn hóa, hành chính, chính trị thì giờ đây, với sự cộng thêm của các nguồn lực thì thành phố phải trở thành trung tâm động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh.

Sự phát triển TP. Huế trong giai đoạn sắp tới hết sức quan trọng trong mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành đô thị di sản, thành phố trực thuộc Trung ương, nên việc hoạch định, định hướng phát triển của Huế cần phải có sự xem xét, đánh giá thấu đáo.

Vì vậy, TP. Huế tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần năng động, sáng tạo, tận dụng các tiềm năng, lợi thế; tích cực triển khai và kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh sát với tình hình thực tế của thành phố mở rộng, góp phần đưa toàn tỉnh xứng tầm là một trong những trung tâm văn hoá - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, khoa học - công nghệ của cả nước và khu vực.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

* Đầu đề của Tòa soạn

THANH HƯƠNG (thực hiện)