Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động và người sử dụng lao động có thể tiếp cận chính sách hỗ trợ một cách nhanh chóng. Ảnh minh họa: Hồng Thái/TTXVN

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã cắt giảm tối đa số lượng hồ sơ, thủ tục đề nghị hỗ trợ, cũng như thời gian xử lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động và người sử dụng lao động có thể tiếp cận chính sách một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, việc triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đã gặp phải một vài khó khăn, vướng mắc.

Nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, gặp nhiều trở ngại trong việc làm thủ tục hồ sơ, người dân gặp khó khăn trong việc đi lại để làm thủ tục. Người lao động và người sử dụng lao động chưa thực sự hiểu sâu, hiểu cặn kẽ về các chính sách này. Do vậy, nhiều người lao động và người sử dụng lao động chưa chủ động hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ gửi tới các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương. Người thực thi chính sách ở địa phương cũng chưa thực sự hiểu đầy đủ về các quy định của chính sách, dẫn đến việc xử lý chưa được linh hoạt.

Đáng chú ý, một số chính sách hỗ trợ hiện cũng gặp khó khăn trong công tác triển khai như chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ. Nguyên nhân do chính sách này tập trung người lao động lại để đào tạo, nhưng nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội cho nên tạm thời chưa tổ chức triển khai…

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đôn đốc triển khai quyết liệt hơn nữa, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để tất cả người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan chức năng ở địa phương hiểu sâu sắc, kỹ lưỡng hơn về Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động đăng ký hồ sơ, thủ tục trực tuyến trên Cổng Dịch công quốc gia, Cổng Dịch vụ công của bộ và các địa phương để việc xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ dễ dàng và thuận lợi nhất.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có công văn hỏa tốc gửi Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Các dịch vụ hỗ trợ người dân được tích hợp gồm: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất...

Người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19 có thể làm thủ tục để được hỗ trợ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia bằng cách truy cập vào địa chỉ https://ncovi.dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-gioi-thieu.html. Ngoài ra, người dân, doanh nghiệp có thể tham khảo các video hướng dẫn đăng ký, đăng nhập và làm thủ tục để được hỗ trợ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến thời điểm hiện tại, 12 nhóm chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đã triển khai, thực hiện hỗ trợ cho tổng cộng trên 13 triệu người với khoảng 6.000 tỷ đồng. 12 chính sách này phân thành 3 nhóm lớn, gồm: Nhóm chính sách về bảo hiểm, đến nay đã hỗ trợ khoảng 12 triệu người với khoảng 4.400 tỷ đồng; nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, đến nay đã hỗ trợ được cho khoảng 1 triệu người với khoảng 1.300 tỷ đồng; nhóm chính sách cho doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, đến nay đã cho vay trên 170 tỷ đồng.

Theo Tin tức TTXVN