Nguyễn Nhật Thủy Tiên tại cuộc thi “Trường Teen”

Giới trẻ đón nhận

Khoảng 6 năm trở lại đây, phong trào tranh biện bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng được các bạn trẻ ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh đón nhận. Tại Huế, giới trẻ cũng dần dần được tiếp xúc với tranh biện và từ đó, tranh biện dần trở thành món ăn tinh thần ưa thích của nhiều bạn trẻ.

Thành lập từ năm 2016, The Anecdotist (TAD) là câu lạc bộ (CLB) tranh biện của Trường THPT chuyên Quốc Học Huế, hiện có gần 30 thành viên sinh hoạt thường xuyên 1, 2 buổi/tuần. Em Nguyễn Nhật Thủy Tiên, cựu chủ nhiệm CLB cho biết, tranh biện (debate) là một sân chơi trí tuệ, trong đó người tranh biện thu thập, phân tích xử lý thông tin được giao để xây dựng hệ thống các luận điểm, sắp xếp các lập luận để ra quyết định. “Khái niệm về tranh biện được mọi người hiểu nhiều nhất là cuộc tranh luận, tranh biện mà có nhiều hơn 2 bên cùng đưa ra ý kiến về một vấn đề được giao. Các bên sẽ bảo vệ quan điểm của mình về vấn đề đó”, Thủy Tiên cho hay.

Debate được chia làm nhiều loại như Academic Debate (tranh biện học thuật), Public Forum (tranh biện mở), Presidential Debate (tranh biện Tổng thống Mỹ), Informal Debate (tranh biện không chính thức) và Debate trong MUN (một dạng mô phỏng các hội nghị trong Liên Hợp Quốc). Hiện tại, hoạt động tranh biện của các bạn học sinh tại Huế xoay quanh loại tranh biện học thuật.

Tìm hiểu và yêu thích tranh biện từ lớp 9, Võ Hương Giang, học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế chia sẻ, không ít người đánh đồng khái niệm tranh biện và tranh cãi với nhau, nhưng thật ra điều này hoàn toàn không đúng. Đều là nói ra ý kiến của bản thân nhưng với tranh cãi, người nói có thể đưa ra ý kiến chủ quan, cá nhân của mình. Trong khi với tranh biện, người nói nếu đưa ra ý kiến của mình thì phải giải thích cụ thể và đưa ra dẫn chứng rõ ràng, thông tin chính xác và vì lợi ích chung.

Là bộ môn trí tuệ phổ biến ở nhiều nước phát triển với các cuộc thi lớn nhỏ giữa các đội của các nước với nhau, thế nên tranh biện cũng có quy định và luật về cách chơi, phân thắng bại. Khi đến với Việt Nam, luật thường được các bạn trẻ áp dụng trong các buổi tranh biện là luật AP.

Hương Giang giải thích, trong một trận tranh biện sẽ có 3 bên gồm: ban giám khảo; 2 đội tham gia (mỗi đội có 3 người) chia làm đội ủng hộ và đội phản đối; khán giả. Khi bước vào trận đấu, mỗi đội có hai nhiệm vụ chính là trình bày quan điểm (3 quan điểm tương ứng với 3 lượt nói của 3 thành viên) và hỏi đáp thông tin giữa các lượt nói. Mỗi lượt trình bày chỉ kéo dài 7 phút. Sau khi kết thúc tranh biện, hai đội sẽ chờ ban giám khảo đưa ra kết quả cuối cùng. Trung bình một trận tranh biện kéo dài khoảng 1 giờ 30 phút.

Cơ hội để phát triển bản thân

Phong trào tranh biện đang ngày càng phát triển ở Việt Nam thông qua chương trình “Trường Teen” phát sóng trên kênh VTV6. “Từng đại diện cho Trường THPT chuyên Quốc Học Huế tham dự Trường Teen, em khá bất ngờ vì sau khi trở về từ cuộc thi, em nhận được rất nhiều lời chúc mừng từ mọi người. Điều đó chứng tỏ, “Trường Teen” và debate ở Huế có sức hút lớn và nhận được sự quan tâm của nhiều người”, Thủy Tiên bộc bạch.

Em Nguyễn Xuân Tùng, học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học, thành viên TAD cho biết, em tham gia CLB từ lớp 10. Là người hoạt bát, thích đưa ra những ý kiến của bản thân, Tùng mô tả việc đến với tranh biện như “cá gặp nước”. “Điều mà em học được khi tham gia tranh biện là tăng tư duy một vấn đề từ nhiều phía; tăng khả năng thuyết phục người khác; tự tin nói trước đám đông… Em còn học được khả năng lắng nghe những ý kiến đối lập trong tranh biện”, Tùng chia sẻ.

Không chỉ tại Trường THPT chuyên Quốc Học, tại các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh, phong trào tranh biện cũng nổi lên như là nơi để các bạn học sinh có thể rèn luyện cho mình khả năng diễn đạt, khả năng xử lý thông tin, lập luận logic và khả năng làm chủ sân khấu, đứng trước đám đông cũng như khả năng làm việc nhóm. Trần Công Đại, thành viên của Wars of Words (WOW), CLB tranh biện trực thuộc Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh chia sẻ, các thành viên trong CLB thường xuyên có những trận đấu tập để rèn luyện khả năng, đồng thời cũng thường phối hợp với CLB TAD để tổ chức những trại hè tranh biện cho các bạn học sinh yêu thích tranh biện tham gia.

Các trại hè tranh biện như WOW, National Novice Debating Championship (NNDC), Quoc Hoc Hue Debate camp được tổ chức tại Huế trong những năm qua đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ. “Có quá nhiều điều tuyệt vời mà em đã được học khi tham dự những trại hè tranh biện này. Điều làm em nhớ nhất sau mỗi giải đấu không phải là những giải thưởng hay thành tích mà mình có, mà là những người bạn. Tranh biện đã mang chúng em lại gần với nhau. Và cứ sau mỗi dịp như thế, em lại phát triển bản thân mình theo hướng tốt hơn”, Hương Giang chia sẻ về trải nghiệm tại trại hè tranh biện.

Vì những điều đó, phong trào tranh biện cần nhận được quan tâm nhiều hơn để có thể tiếp cận với nhiều bạn trẻ hơn, cũng như phát triển theo chiều chất, lượng và bền vững. Từ đó giúp các bạn trẻ Huế có thêm nhiều cơ hội rèn luyện tư duy, suy nghĩ đa chiều, tư duy phản biện không chỉ trong học tập mà còn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Bài: ĐĂNG TRÌNH - Ảnh: NVCC