Thưởng thức món tráng miệng Huế tại vườn Ý Thảo​

Tìm trong yên ắng

Huế, những ngày cuối mùa hè, không có cảnh “chiều mưa trên kinh đô”. Chỉ thấy nắng. Nắng chang chang. Dịch COVID-19 đã khiến resort Huế Riverside ngay sát dòng Hương cũng trở nên vắng vẻ, lưa thưa vài nhóm khách… Sự vắng vẻ in dấu trên những con đường khi cơ sở này tranh thủ khử trùng, chống sâu bệnh cho vườn thanh trà bằng cách rắc vôi bột khắp nơi. Bể bơi đẹp đẽ cũng tạm dừng hoạt động vì sửa chữa…

COVID-19 đã mang đến cho du lịch những khoảnh khắc thật lạ lùng, hiếm có. Cả khu nghỉ dưỡng như một khu vườn cổ tích. Sớm dậy, tiếng chim râm ran. Dòng Hương dịu dàng chảy, chốc chốc bóng thuyền rồng qua lại.

Chưa bao giờ tôi gần dòng Hương đến thế. Dòng Hương (Linh Giang) trong sử sách được ghi là “do hai nguồn nước từ Kim Trà, Đan Điền đổ tới, rộng sâu vô hạn, khuất khúc hữu tình… Ngôi đền Minh Uy đứng vững ở đầu nguồn, toà thành Hoá Châu khoá chặt lấy cửa sông, huyện nha phủ thự đều đối nhau ở hai bên tả hữu, còn như xóm hoa nội biếc, đất tốt dân đông, chợ nọ làng kia, vật lạ người quý, đều la liệt ở hai bên bờ nam bắc…”.

Sử sách hấp dẫn là vậy. Còn thực tế? Nhà báo Đặng Thủy (báo Người Hà Nội) và tôi cùng hai người bạn doanh nhân mượn được 4 chiếc xe đạp màu sắc sặc sỡ. Cái thì đứt phanh, cái lọc xọc vừa đi vừa phát tiếng kêu. Ra khỏi resort là làng xóm, là chợ, là vườn cây, là dấu tích lịch sử đất đế đô một thời. Người dân nói đây là làng cổ Thủy Biều vốn hợp từ hai làng cổ Nguyệt Biều và Lương Quán. Đây đó trong một con ngõ lại thấy một tấm biển homestay - dấu tích của du lịch hướng tới cộng đồng. Chợ làng có bà lão đội nón Huế, châm điếu thuốc lá cuốn hình kèn, thong thả nhả khói. Bà bảo lá thuốc bà trồng, tự cuốn lấy hút. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam sau nghe chuyện có nói với tôi: thuốc này hút vào say lướt khướt!

Chợ làng có những sản vật địa phương vừa quen vừa lạ. Nải chuối, mớ rau, mớ cà được bày trên lá chuối. Dưa gang của người Huế ăn kèm với rau sống và mắm. Người bán hàng vui vẻ không khác gì một hướng dẫn viên du lịch khi bà giới thiệu cho khách cách ăn món dưa gang.

Đạp xe vào những con ngõ, ngõ như dài mãi ra, không dứt, đây đó lại gặp một cổng làng lịch sử, có ghi “Vua Minh Mạng ban…”. Vườn nối vườn, người lẫn vào bóng cây. Cuối cùng chúng tôi đành quay ra, mang theo một cảm nhận thật khác biệt về Huế so với những lần đi trước. Du lịch cộng đồng, du lịch nội địa đang trở thành hướng đi vượt khó cho ngành công nghiệp không khói nước nhà, trong đó có Huế. Một điều thú vị trong cách làm du lịch ở Huế mà tôi chưa gặp ở đâu là khách sạn tặng rau xanh cho khách. Sân bay Phú Bài, khách mang hàng về cũng đông nhưng không ai xách theo trái bí như chúng tôi. “Trái này có chi lạ không chị ơi?” - có người không nén nổi tò mò. Tôi gật đầu: “Có chứ ạ! Bí trồng trên đất Huế. Phải mang về Thủ đô bằng được”. Vị khách cười tươi ra chiều chưa hết nghi ngờ…

Phải nói, những tháng ngày “nghỉ ngơi” giữa các đợt dịch, ẩm thực Huế không được trọn vẹn do lượng khách ít, khách sạn không thể phục vụ đa dạng, tinh tế những món Huế đặc trưng. Bù lại, làng Thủy Biều đền đáp cho chúng tôi tất cả…

Và để tìm kiếm câu chuyện ẩm thực ở những địa chỉ nức tiếng của Huế, ngay trong những ngày ảnh hưởng của dịch, chúng tôi tìm đến một nơi khác.

Đêm trong vườn Ý Thảo

Vườn Ý Thảo - một nhà hàng nổi tiếng, mỗi ngày đón hàng trăm khách, giờ im lìm trong vườn cây. Khách đã đặt trước mà bước vào cổng vẫn còn bất ngờ. Giờ này hai năm trước thì hầu như các bàn đều chật. Bên phải “Bonjour”, bên trái “Ní hảo”… Ông chủ vốn là Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh, bà chủ nguyên là Thư ký toà soạn Tạp chí Sông Hương. Khách đông, những lần tôi qua, gặp ông bà chủ lúc nào cũng vội. Giờ thì chúng tôi một mình làm cả một vườn Ý Thảo mấy nghìn mét vuông. Đêm buông, côn trùng kêu ri ri thành một bản hoà âm như vọng từ ký ức. Chúng tôi lọt vào đêm và những câu chuyện cuộc đời của bà. Từ những năm tháng làm đủ mọi nghề kiếm sống, gây dựng cơ nghiệp đến chuyện cách làm và giữ những món ăn đặc trưng Huế. Bà đọc thơ chồng, say mê và xúc động.

Đỗ Mai tìm đọc sách về làng nghề Huế tại thư viện gia đình vườn Ý Thảo

Có lẽ hiếm có một nhà hàng nào, một bữa ăn nào lại đằm sâu đến thế. Khách và chủ chuyện trò như tri kỷ. Những cuộc đời mấy chục năm bỗng chốc dồn nén lại để gửi trao cho những người bạn mới xa xôi. Huế thảo thơm đấy chứ, ngay trong bất thường, gian khó.

Cùng đi với chúng tôi có thạc sĩ, giảng viên tiếng Nhật Đỗ Mai. Cô gái sinh năm 1989 này công du Huế với tư cách giám đốc điều hành một thương hiệu Rinaya về hàng thủ công làm từ nguyên liệu giấy tái chế của Nhật Bản. Cô mong muốn tìm đến làng nghề thủ công mây tre đan Bao La (huyện Quảng Điền) để đặt hàng các sản phẩm theo mẫu, hướng tới xuất khẩu sang thị trường của Nhật. Mai tặng bà chủ vườn Ý Thảo một chiếc túi đan bằng nguyên liệu giấy tái chế của Nhật. Bà chủ tặng lại Mai và chúng tôi cuốn hồi ký đời bà “Những người muôn năm cũ”. Ông chủ nhà thì vất vả tìm ra được cho những vị khách một cuốn sách về làng nghề xưa ở Huế, nhưng mối đã ăn gần hết, đành để lại số điện thoại tác giả để chúng tôi liên hệ tìm ấn bản khác…

Chụp ảnh lưu niệm với bà Trương Thị Cúc, vườn Ý Thảo (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Những cuộc gửi trao hiếm có chở theo bao cảm nhận và thấu hiểu về xứ Thuận Hóa này.

Hôm nay, từ xa xôi, bỗng chốc nghĩ “Huế ơi, bây chừ…!”. Mong sao những cố nhân và người dân trên mảnh đất đầy “yếu tính nữ” đắm say không sao tả nổi này những tháng ngày bình yên để tiếp tục đi về phía trước.

Bài, ảnh: HÀ AN