Số hóa là cốt lõi trong nhiều chiến lược phục hồi hậu đại dịch (Ảnh minh họa Vietnamnet)

Đối với nhiều quốc gia, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế số có thể được xem là lựa chọn duy nhất. Trong bối cảnh hướng đến sự phục hồi trong môi trường hậu đại dịch, số hóa sẽ tiếp tục là cốt lõi của các chiến lược hiệu quả nhất để mở ra cơ hội phát triển cho các nền kinh tế.

Số hóa mang đến nhiều lợi ích

Thật vậy, việc tăng cường chuyển đổi số có khả năng thúc đẩy sản lượng toàn cầu, thương mại và việc làm. Theo Báo cáo Hội nhập kinh tế châu Á 2021 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hồi đầu năm nay, khi lĩnh vực số hóa toàn cầu tăng 20% về quy mô sẽ có thể giúp sản lượng toàn cầu tăng trung bình 4,3 nghìn tỷ USD/năm từ năm 2021 tới 2025. Tương tự, châu Á và Thái Bình Dương cũng sẽ thu được lợi nhuận kinh tế tới hơn 1,7 nghìn tỷ USD/năm trong giai đoạn 5 năm từ 2021-2025. Đồng thời, sẽ có khoảng 65 triệu việc làm mới được tạo ra hằng năm ở khu vực này tới năm 2025 nhờ gia tăng sử dụng các công nghệ số hóa, và thương mại của khu vực cũng được kỳ vọng đạt mức tăng 1.000 tỷ USD/năm trong 5 năm tới.

Không nằm ngoài xu hướng đó, Đông Nam Á từ lâu đã đi đầu trong tiến trình kinh tế số toàn cầu, với những lợi thế từ sự áp dụng nhanh chóng các công nghệ di động, các quy định thuận lợi của chính phủ và có dân số trẻ, hiểu biết về công nghệ, The Jakarta Post cho biết. Khu vực này đã sản sinh ra một số công ty thành công nhất trong nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu, và trong bối cảnh các tác động của COVID-19, chính những công ty này sẽ là động lực thúc đẩy các nền kinh tế trong khu vực, giúp các nước phục hồi và phát triển nhanh hơn nữa.

Ba yếu tố cần chú trọng

Rõ ràng, số hóa có thể mang lại nhiều lợi ích, nhưng làm thế nào để cả chính phủ và doanh nghiệp nắm bắt được tốt hơn những cơ hội chưa được khai thác hết này để phục hồi và phát triển nền kinh tế? Theo nhà sáng lập kiêm CEO của Daraz - nền tảng thương mại điện tử lớn nhất ở Nam Á (ngoài Ấn Độ), có ba yếu tố chính cần được xem xét.

Trước hết, cần phải cải thiện kiến ​​thức kỹ thuật số. Chỉ khi làm như vậy, cả người mua và người bán mới có thể tự tin điều hướng trong môi trường kỹ thuật số phức tạp. Việc giáo dục kiến thức cho người bán và các doanh nghiệp vừa và nhỏ về cách thức để có thể chuyển đổi sang kinh doanh kỹ thuật số có vai trò rất quan trọng, mang đến cho họ những thông tin và kỹ năng cần thiết để đưa doanh nghiệp lên các kênh trực tuyến.

Một thành phần nền tảng khác là cơ sở hạ tầng hậu cần (logistics). Logistics đóng vai trò thiết yếu trong sự thành công của số hóa dịch vụ, nhưng khả năng đạt được một chuỗi cung ứng được kết nối giữa các thị trường lại rất khác nhau và không có gì ngạc nhiên khi các nền kinh tế giai đoạn đầu thiếu nguồn lực thích hợp để xây dựng cơ sở hạ tầng. Điều này đã cản trở tăng trưởng và theo nhiều cách, tác động đến lòng tin của người tiêu dùng đối với khả năng phân phối của các nền tảng trực tuyến.

Mấu chốt cuối cùng là tài chính toàn diện. Trên khắp Đông Nam Á và Nam Á, một tỷ lệ lớn dân số vẫn chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng hoặc chỉ có khả năng tiếp cận hạn chế với một loạt các sản phẩm tài chính. Bằng cách số hóa hệ thống thanh toán và chuyển sang một xã hội không dùng tiền mặt, chúng ta có thể nhanh chóng thay đổi quỹ đạo này, vốn là yếu tố quan trọng để đẩy nhanh sự phát triển kinh tế. Khi ngày càng có nhiều người sử dụng hệ thống ví kỹ thuật số và các hệ thống thanh toán điện tử khác sẽ là “cú hích lớn” trong việc tạo ra sự hòa nhập tài chính trên toàn khu vực.

Quan trọng, thông qua số hóa, các doanh nghiệp không chỉ có thể giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi mà còn có thể góp phần hình thành các quốc gia kỹ thuật số, nắm bắt tốt các cơ hội để tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy thương mại và việc làm. Theo nhận định của The Jakarta Post, những quốc gia tiếp nhận sự chuyển đổi này một cách hiệu quả và toàn diện nhất có thể sẽ đi đầu trong tăng trưởng toàn cầu trong nhiều năm tới.

TỐ QUYÊN

(Tổng hợp & lược dịch từ The Jakarta Post & ADB)