Họa sĩ Lê Linh

“Khi bắt đầu cầm bút, tôi đã vẽ chữ và vẽ tất cả những gì tôi thích một cách ngây ngô. Lớn hơn một chút, khi được nhìn thấy vài bức tranh trên tivi, trong những quyển tạp chí của anh chị, tôi dần hiểu thế nào là hội họa và có ý nghĩ đầu tiên về hai từ họa sĩ. Vì thế sau này, tôi thi vào Trường ĐH Nghệ thuật Huế”.

Loạt tác phẩm mà Linh theo đuổi dài hơi nhất đó là những bức tranh vẽ hoa bằng màu nước trên giấy, từ khi bắt đầu là sinh viên trường Nghệ thuật tới giờ. Xem tranh hoa của Linh, cảm giác những nét cọ thả rất chậm và nắn nót xuống giấy. Ấn tượng đậm nét trong tôi về những bức vẽ đó là thế giới của một khu vườn vừa thức dậy sau giấc ngủ dài. Nó không vạm vỡ, ồn ào mà xinh xắn, nguyên khôi, sương đọng. Lằn ranh giữa mơ và thực như dấu hiệu về sự chuyển mình của nội tâm từ vô tư trong sáng đến chớm biết buồn. Người ở đó cần một chút hồn nhiên nhưng rút cuộc lại quay về gửi gắm ưu tư vừa hé. Những bức tranh đó gợi dẫn đến ngôi nhà chỉ có phụ nữ và trẻ em, trong phảng phất mờ xa với tiếng nói rất chậm của ngày.

- Em sẽ dành cả thanh xuân của mình để làm gì?

- Để mơ và thực hiện những giấc mơ.

- Nghe có ngăn nắp và thứ tự quá không nhỉ? Tại sao không hoàn thành giấc mơ đi rồi mơ tiếp?

- Chao, thế thì mệt quá. Còn thời gian đâu mà rong chơi?

- Mơ cũng là một cách chơi chứ. Thậm chí một cuộc chơi không có đường lui...

Linh kiệm lời trong cách đặt tên tác phẩm. Nhìn và Cười là hai bức chân dung trẻ em bằng màu nước Linh vẽ trên giấy. Đó là hai trường liên tưởng và hình họa già dặn, mở ra những giới hạn về tự do và sự bất toàn của đời sống con người. Con nít xem tranh Linh chắc sẽ khó thích thú vì chẳng có gì giống chúng. Người lớn thì phân vân, hứng thú, thán phục... tùy vào cảm nhận của họ.

Tác phẩm “Phong cảnh A Lưới”

“Hình như tôi có biết nỗi buồn. Nó thường đưa tôi đi từ mặt đất đến những vì sao xa để vẽ giai điệu của ánh sáng vang lên trong đêm tối, nhìn đền đài để vẽ thời gian loang lổ trên những bức tường thành, ngắm những đóa hoa vẽ màu của tuổi thơ, chìm vào dòng sông để nghe nhịp buồn trôi mất. Và tôi vẽ sự tiếc nuối của mình”.

Bức tranh Hoa và cá trong dòng sông ký ức của Linh là một sự kết hợp đồng điệu trong thế giới thiên nhiên vùng duyên hải. Đó vốn là một bức phác thảo bằng chất liệu acrylic trên giấy vào năm 2014, nhưng bị mất nên Linh đã vẽ lại bằng chất liệu sơn mài, đang treo tại Trường ĐH Nghệ thuật Huế.

Tác phẩm “Nhìn”

5 năm học ở Trường ĐH Nghệ thuật là khoảng thời gian Linh vẽ nhiều. Cô gái ấy đã đi bộ qua những cây cầu, dòng sông, con đường để có những bức ký họa bằng bút sắt đầu tiên. Tôi hình dung đến bước chân của Linh, có thể đơn độc và gian nan nhưng chắc chắn tự do tuyệt đối. Linh được vẽ những gì mình thích, có quyền hài lòng hay buồn phiền những "đứa con" của mình mà không cần để ý một cái nhìn xét nét của ai. Những năm tháng ấy, chỉ có nắng gió và sương mù ở lại. Linh cầm cọ và rong chơi trong giấc mơ của mình. Hai bức ký họa Cung Diên Thọ và Một góc Trường ĐH Nông Lâm năm 2016 là những ví dụ về năm tháng "bắt đầu biết buồn vui, thương nhớ, mơ mộng" của Linh tại Huế.

Đầu năm Đinh Dậu, Linh bắt đầu vẽ tranh gà bằng màu nước. Đây là một đề tài không mới, thậm chí ở một khúc quành nào đó, gà đã trở thành những siêu phẩm đỉnh cao trong làng hội họa. Linh vẽ như một bước thử nghiệm, trong cái nhìn của em về dòng tranh các con giống Việt Nam. Trận đấu, Hoan ca, Thắng bại là 3 bức ấn tượng, đã tham gia Triển lãm “Mùa xuân và Con giáp” tại Bảo tàng Văn hóa Huế do Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế và Hội Mỹ thuật tỉnh tổ chức.

Tác phẩm “Trận đấu”

Linh đã giành được một vài giải thưởng, tham gia một số cuộc triển lãm tranh, tác phẩm cũng được trao tay những nhà sưu tầm. Thử nghiệm nhiều hình thức sáng tác như viết thư pháp, ký họa chân dung, ký họa phong cảnh, màu nước, acrylic... Những chuyến đi trực họa tại Phong Điền, A Lưới… vài năm trở lại đây đã cho thấy một Lê Linh trưởng thành trong cả nội dung và phong cách sáng tác.

“Bây giờ tôi thường nhớ về khu vườn nhà nội hay mảnh đất bên sườn đồi với những cây mít, xoài, ổi, chuối hay rau và những đám hoa dại. Tôi không thể quên được những buổi chiều đứng trên cầu ngóng ánh sáng của ban mai và ngắm ráng chiều. Tôi sẽ vẽ quê hương với những hình ảnh thân yêu, những khuôn mặt trìu mến vì tôi biết tất cả sẽ mất dần theo thời gian. Và tôi cũng bỏ lại phía sau tuổi thơ của mình”.

Lê Linh là một tác giả trẻ cả tuổi đời và tuổi nghề, mọi thứ còn nguyên phía trước. Nhưng những tác phẩm đã hoàn thành thực sự là một tín hiệu tốt để gọi tên thế giới nghệ thuật của Linh.

Bài, ảnh: NGUYÊN HƯƠNG