Ông Quân cho biết, cuộc khảo sát về mức sống của người dân được thực hiện 2 năm một lần. Cuộc khảo sát mới nhất là năm 2020 và kết quả vừa được công bố (như nêu trên), tức là nó được thực hiện trong năm chẵn. Chúng ta có thể hiểu những năm lẻ, ví dụ như năm 2019, 2017 không được thực hiện. Thế nhưng khi trả lời phỏng vấn, với câu hỏi: “ COVID-19 hoành hành chắc chắn ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân thời gian qua, thưa ông?”. Ông Quân lại đưa ra con số để so sánh là: “Thu nhập bình quân tháng của người dân năm 2020 theo giá hiện hành đạt 4,2 triệu đồng, giảm khoảng 1% so với năm 2019…”. Không biết ông Quân có nhầm lẫn gì ở đây không? Hay là con số thu nhập năm 2019 được lấy từ những cuộc khảo sát khác?

Từ sự “nghi ngờ” như nêu trên, người viết cảm thấy khó tin cậy vào một vài chỉ số khác. Ví dụ như khi trả lời câu hỏi: “Nhưng khoảng cách thu nhập vẫn còn cách nhau hơn 8 lần...?” ( ý phóng viên hỏi là khoảng cách thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất vẫn còn rất lớn – tác giả) – một lần nữa ông Quân lại cho biết: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 thấp nhất trong rất nhiều năm qua (tăng 2,91%), nhưng bất bình đẳng về thu nhập giữa nhóm người giàu nhất và nghèo nhất lại được thu hẹp xuống còn 8,1 lần, thay vì 10,2 lần trong năm 2019” . Xin nhắc lại rằng, cuộc khảo sát về thu nhập chỉ được thực hiện trong năm chẵn cho nên những năm lẻ không thể có số liệu (như đã nêu ở trên).

Việc rút ngắn được khoảng cách thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất, theo ông Quân là nhờ Chính phủ đã thực hiện hàng loạt giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; an sinh, xã hội thông qua các chính sách tài khóa, tiền tệ kịp thời.Ông cho rằng ở hầu hết các nước trên thế giới mỗi khi kinh tế suy thoái thì người nghèo bao giờ cũng là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất, còn đối với Việt Nam thì ít bị tổn thương hơn!

Thực tế thì chúng ta thấy, đời sống của người dân không có thể không bị ảnh hưởng lớn như sự lạc quan mà ông Quân nêu (chỉ sụt 1% so với năm 2019). Ở đâu không biết chứ ở Huế, ngành du lịch và những ngành dịch vụ “ăn theo” du lịch có thể nói là kiệt quệ trong hơn một năm rưỡi qua.

Còn sự hỗ trợ của Chính phủ là như thế nào? Phải nói rằng, Chính phủ quyết tâm rất lớn để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong dịch bệnh. Như ngay đợt đầu tiên Chính phủ đã tung ra gói hỗ trợ lên đến 62.000 tỷ đồng, sau đó là gói 26.000 tỷ đồng. Tiếp đó là thực hiện hàng loạt giải pháp miễn thuế, giãn thuế,tiền thuê đất… Quyết tâm của Chính phủ thì rất cao nhưng thực tế thực hiện có vẻ không đạt như mong muốn. Doanh nghiệp vẫn khó khăn kéo theo nhiều người thiếu và mất việc làm. Dân số của Việt Nam khoảng 100 triệu dân. 20% nhóm người có thu nhập thấp nhất là vào khoảng 20 triệu người. Theo ông Quân: “Ngân sách nhà nước đã chi ra hơn 13.100 tỷ đồng hỗ trợ hơn 13,2 triệu người”. Tức là mỗi người trung bình chỉ được 1 triệu đồng. Con số này cho thấy sự hỗ trợ của Chính phủ không phải là nguyên nhân chính làm cho người dân không giảm thu nhập trong dịch bệnh mà, nếu đúng thu nhập của người dân không giảm nhiều, thì có lẽ nó nằm ở những nguyên nhân khác?

                                                                        Nguyên Lê