Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên thảo luận mở Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Nhiều ý kiến khẳng định bài phát biểu và những đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận được sự ủng hộ của nhiều nước vì đề cao luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982, và thiết thực với mỗi quốc gia.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp quốc, cho biết đại diện nhiều nước tham gia Nhóm bạn bè của UNCLOS năm 1982, nhóm quy tụ gần 100 quốc gia vừa được ra mắt ngày 30/6 vừa qua theo sáng kiến do Việt Nam và Đức khởi xướng, đã chia sẻ và đánh giá cao bài phát biểu của lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt khi Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định UNCLOS 1982 là một khuôn khổ pháp lý toàn diện, điều chỉnh tất cả các hoạt động trên biển và đại dương, khẳng định giá trị của luật biển tạo ra khuôn khổ rất quan trọng để giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển.
Sau phiên thảo luận do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc chủ trì, Ấn Độ cho rằng 3 đề xuất mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra trong bài phát biểu đã góp phần tạo nên sự thành công lớn cho sự kiện này.
Đại sứ T.S.Tirumurti, Trưởng phái đoàn Ấn Độ tại Liên Hiệp quốc, cho biết các đề xuất của Việt Nam liên quan tới vấn đề an ninh trên biển rất quan trọng. Các đề xuất này có trọng tâm là kêu gọi tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế. Đó cũng đó là mục tiêu tối cao mà Ấn Độ muốn nhắm tới khi tổ chức sự kiện này, bởi vậy, với bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào cuộc thảo luận mở của Hội đồng Bảo an.
Đề cao ý nghĩa này, Đại sứ Vanessa Frazier, Trưởng phái đoàn Malta, nêu rõ: "Chúng ta đều là người chiến thắng khi tham gia UNCLOS 1982. Tôi đã rất vui mừng khi ngài Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh một lần nữa điều này tại cuộc họp quan trọng như vậy của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc vì Hội đồng Bảo an là cơ quan cao nhất của Liên Hiệp quốc trong gìn giữ an ninh thế giới."
Theo Tiến sỹ Pankaj Jha, giảng viên trường Đại học Jindal, Ấn Độ, trong lần tham dự phiên thảo luận mở này, Thủ tướng Việt Nam đã giúp nâng cao nhận thức về việc phải bảo vệ đại dương, bảo vệ nguồn tài nguyên biển.
Đối với các tranh chấp, Việt Nam đưa ra các giải pháp phổ quát, đề cao vai trò của Liên Hiệp quốc, tổ chức khu vực. Đó là các cơ chế làm việc rất toàn diện, đặc biệt là khi kết hợp với UNCLOS 1982.
Tiến sỹ Antonio Albanese, chuyên gia địa chính trị thế giới, Giám đốc hãng truyền thông AGC tại Italy, đánh giá những đề xuất của Việt Nam vừa thể hiện được tính phổ quát trong bối cảnh chung toàn cầu, vừa góp phần thúc đẩy cách tiếp cận thực chất trong giải quyết những vấn đề cụ thể của khu vực. Trong đó, Việt Nam đã khẳng định quan điểm ủng hộ việc đảm bảo an ninh biển dựa trên những quy tắc rõ ràng, nhất quán trong khuôn khổ Liên Hiệp quốc và được cụ thể hóa thành các quy tắc ứng xử chung, một mục tiêu quan trọng đang được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ưu tiên thúc đẩy tại khu vực Biển Đông.
Cùng nhận định trên, chuyên gia phân tích Valeria Vershinina thuộc Trung tâm ASEAN, Học viện Ngoại giao Moskva (MGIMO) đánh giá cao cách tiếp cận của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề an ninh khu vực, khẳng định cách tiếp cận của Việt Nam trong vấn đề an ninh biển là hoàn toàn đúng đắn.
Đó là cần kết hợp các nỗ lực chung để đạt được tiến bộ theo hướng này, với sự tham gia của các tổ chức quốc tế, các cấu trúc khu vực như ASEAN, Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), đồng thời duy trì vai trò điều phối trung tâm của Liên Hiệp quốc.
Chuyên gia Ukraine khẳng định quan điểm mang tính xây dựng của Việt Nam góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển không chỉ của các nước ven biển mà của tất cả các nước trên thế giới.
Giáo sư Thomas Engelbert thuộc Viện Á-Phi, Đại học Hamburg của Đức, nhấn mạnh từ trước đến nay, mọi sáng kiến mà Việt Nam đưa ra đều theo hướng tìm kiếm một giải pháp hòa bình hoặc giải quyết một cách hòa bình tranh chấp.
Theo Giáo sư, những đề xuất của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đều nhằm thúc đẩy an ninh, bảo đảm sự ổn định trên biển và tự do hàng hải trong khu vực.
Tương tự, nhà bình luận quốc tế người Ukraine Andrey Tymchenko cho rằng quan điểm nhất quán của Việt Nam là tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Trong khi đó, Tiến sỹ Gerhard Will, nguyên là chuyên gia về Biển Đông của Viện Khoa học và Chính trị Đức, nêu bật bài phát biểu một lần nữa khẳng định rõ quan điểm, chủ trương của Việt Nam trong việc đảm bảo an ninh hàng hải và giải quyết hòa bình các xung đột trên biển, cũng như đề xuất các giải pháp cụ thể trong vấn đề này.
Điều này cho thấy vai trò quan trọng của Việt Nam trong việc giữ gìn hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải trong khu vực. Tiến sỹ Gerhard Will cho rằng các đề xuất của Việt Nam rất phù hợp và thực tế, thể hiện tính chủ động, tích cực và tinh thần trách nhiệm cao của Việt Nam trong việc đối phó với các thách thức chung.
Theo Tiến sỹ James Rogers, đồng sáng lập và là Giám đốc nghiên cứu Hội đồng Địa chiến lược có trụ sở tại London (Anh), bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đề xuất có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh ở khu vực Biển Đông.
Ông đồng tình rằng mọi chính sách hoặc đề xuất liên quan tới an ninh ở khu vực Biển Đông và quyền hàng hải cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hiệp quốc và UNCLOS 1982. Ông cũng khẳng định vai trò dẫn dắt của Việt Nam, vốn có vị trí địa lý quan trọng, đối với an ninh ở khu vực Biển Đông.
Chia sẻ quan điểm này, nhà báo Alex Svamberg, chuyên gia bình luận các vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương của báo Tin tức Séc, lưu ý qua bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện Việt Nam mong muốn đảm bảo môi trường khu vực ổn định và hối thúc chấm dứt các hành vi đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông, đây không chỉ là vấn đề quan ngại của Việt Nam mà còn của cả thế giới.
Nhà báo Séc nêu rõ những đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy chủ trương của Việt Nam là giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, thông qua giải pháp và cơ chế đa phương nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới. Đây là cách tiếp cận được cộng đồng quốc tế ủng hộ
Theo đánh giá của chuyên gia Vladimir Volya thuộc Viện Chính trị Ukraine, lập trường của Việt Nam cho thấy trách nhiệm của Việt Nam nhằm duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Ông nhận định quan điểm sáng suốt của Việt Nam sẽ giúp nâng cao vai trò của đất nước trong nền chính trị toàn cầu và khu vực.
Là một chuyên gia về địa chính trị châu Á, Giáo sư Antonio Fallico, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Á-Âu tại vùng Veneto (Italy) khẳng định những đề xuất của Việt Nam trong phiên thảo luận thể hiện rõ đường lối đối ngoại hòa bình, hợp tác và tinh thần trách nhiệm đối với ổn định, an ninh của khu vực và quốc tế.
Theo ông, với những sáng kiến cụ thể đó và dưới sự điều hành của chính phủ khóa mới, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục có những đóng góp nhiều hơn nữa cho nỗ lực đối thoại, tăng cường lòng tin, thúc đẩy phát huy hiệu quả các giá trị của biển vì lợi ích của mỗi nước và mục tiêu hòa bình, thịnh vượng chung của nhân loại.
Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và đưa ra nhiều đề xuất tại phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc về an ninh biển một lần nữa thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế nói chung và của UNCLOS nói riêng, đồng thời cho thấy quyết tâm của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự công bằng, khuyến khích sự phát triển và hợp tác trên biển cũng như duy trì an ninh trên biển.
Với sự tham gia chủ động, tích cực và xây dựng, Việt Nam tiếp tục đóng góp vào nỗ lực chung để bảo vệ và tăng cường an ninh biển vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới, đồng thời cũng khẳng định rõ vai trò và nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo TTXVN/Vietnam+