Thế giới có thể sẽ không đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng COVID-19. Ảnh minh họa: THX/TTXVN/Vietnam+
Cụ thể, suy nghĩ về viễn cảnh này là đại dịch sẽ giảm dần và sau đó hầu như sẽ biến mất khi đại bộ phận dân số, có thể là từ 60% đến 70% người dân đã được tiêm phòng đầy đủ, hoặc sản sinh đề kháng sau 1 lần nhiễm bệnh. Tuy nhiên, các biến thể mới như Delta lại dễ lây lan hơn và đã được chứng minh là có khả năng tránh được các biện pháp bảo vệ trong một số trường hợp.
Được biết, biến thể Delta đang thúc đẩy sự bùng phát ngày càng rộng ở các quốc gia như Mỹ và Anh vốn đã bị virus hoành hành, cũng như lây lan mạnh từng ngày ở nhiều đất nước khác trên toàn thế giới.
Trong tháng này, Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ ước tính, biến thể Delta đã đẩy ngưỡng phải miễn dịch cộng đồng của nước này lên hơn 80% và có thể lên đến gần 90%. Tuy nhiên, Greg Poland, Giám đốc nhóm Nghiên cứu Vaccine tại Phòng khám Mayo Clinic ở Rochester, tiểu bang Minnesota (Mỹ) cho biết, ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng cao đến 95% thì khả năng miễn dịch cộng đồng cũng không đạt được.
Cùng lúc, những thách thức nảy sinh do sự do dự với vaccine và các vấn đề liên quan đến nguồn cung khiến cho hầu hết các quốc gia sẽ không đạt được những mục tiêu đã đề ra ban đầu. Nhìn chung, đó là một cuộc chạy đua với sự phát triển của các biến thể có khả năng lây nhiễm nhanh hơn bao giờ hết - những chủng virus có khả năng tránh miễn dịch và tỷ lệ tiêm chủng cao.
Có một vấn đề đáng quan tâm là nhiều chuyên gia cho rằng việc tái nhiễm COVID-19 là rất phức tạp. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh có những dấu hiệu cho thấy một số người và một số quốc gia, như Brazil và các nước ở Nam Mỹ đang bị đánh bại lần thứ hai bởi các chủng virus mới hơn.
Nếu không đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, virus có thể tồn tại trong nhiều thập kỷ dưới một số hình thức, có thể buộc các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới phải điều chỉnh chiến lược mở cửa trở lại nền kinh tế và mở cửa trở lại biên giới.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng, mặc dù có bằng chứng cho thấy sẽ khó có thể đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, song nhiều quan chức y tế không dễ dàng từ bỏ. Các chính phủ trên toàn thế giới cũng đang tập trung vào việc mở rộng chương trình tiêm chủng. Theo các chuyên gia, cho đến ít nhất là năm 2022, thế giới mới có thể đẩy lùi được dịch bệnh. Song mục tiêu này có thể bị đẩy lùi nếu virus kết hợp với một số dạng đột biến khác để trở thành các biến thể dễ lây lan hơn, thậm chí là có khả năng kháng thuốc cao hơn.
Đan Lê (Lược dịch từ Bloomberg)