Toàn cảnh giao thông khu vực phía tây TP Huế

Để tổ chức giao thông cho khu vực phía tây TP Huế qua đường sắt, sau khi được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tham mưu, UBND tỉnh cho phép phân luồng đường một chiều cho bốn tuyến (theo nguyên tắc các chiều đi xen kẽ nhau): Đường Điện Biên Phủ (từ đường Phan Chu Trinh đến ngã ba Sư Liễu Quán), đường Phan Bội Châu (từ đường Phan Chu Trinh đến ngã ba đường Trần Phú), đường Nguyễn Trường Tộ (từ đường Phan Chu Trinh đến đường Đoàn Hữu Trưng) và đường Trần Phú (từ đường Phan Chu Trinh đến ngã ba đường Duy Tân). Quá trình thi công các cầu qua sông An Cựu, Sở GTVT tổ chức phân luồng bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) cho một số tuyến đường liên quan. Hiện, các cầu này đã hoàn thành và đưa vào hoạt động, Sở GTVT chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ khôi phục lại hiện trạng phân luồng như trước (trừ cầu Phú Cam đang thi công đã có phương án phân luồng tạm thời).
 
Theo Giám đốc Sở GTVT Ngô Văn Tuân, mục đích phân luồng đường một chiều cho các tuyến từ đường Phan Chu Trinh lên phía tây TP Huế nhằm bảo đảm trật tự, ATGT đô thị, ATGT đường sắt; đặc biệt, hạn chế thấp nhất sự ùn tắc giao thông tại các nút giao giữa đường bộ với đường sắt. Từ khi phân luồng một chiều cho các tuyến đường này, tình trạng ùn tắc giao thông qua đường sắt cải thiện rõ rệt, giao thông trật tự, thông thoáng hơn và tai nạn giao thông tại đây cũng được kiềm chế. Ngoài ra, phân luồng đường một chiều còn tác dụng giảm áp lực lưu thông trên toàn hệ thống đường, hạn chế thấp nhất sự ùn tắc trên các tuyến, phục vụ lợi ích cho cộng đồng và tạo thói quen chấp hành luật lệ giao thông cho mọi đối tượng tham gia giao thông.
 
Lưu thông hai chiều ở đường Trần Phú
 
Sau ba năm thực hiện lưu thông đường một chiều cho khu vực phía tây TP Huế qua đường sắt, tình hình ách tắc giao thông vào các giờ cao điểm; đặc biệt vào giờ đóng, mở gác chắn khi tàu hỏa chạy qua được khắc phục cơ bản; đồng thời, tạo thói quen đi đường một chiều của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, gần đây, do UBND TP Huế đề nghị cho mở thông hai chiều tuyến đường Trần Phú, Sở GTVT tổ chức cuộc họp với UBND, Công an (CA) TP Huế và các đơn vị liên quan để xem xét vấn đề này; đồng thời, đề xuất UBND tỉnh cho thí điểm mở thông hai chiều đường Trần Phú một thời gian (nếu sau này ách tắc sẽ xem xét điều chỉnh lại).
 
Tuy không phải là giờ cao điểm, nhưng ngay nút thắt cổ chai tại điểm giao cắt đường Trần Phú với đường sắt cũng khiến người dân đi lại khó khăn

Sau bốn tháng thí điểm cho lưu thông hai chiều tuyến đường nói trên, ông Vũ Văn Thanh - Trưởng phòng Quản lý giao thông (Sở GTVT) - xác nhận: Đến nay, tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại nút giao với đường sắt đã xảy ra; đặc biệt, vào các giờ cao điểm và tàu hỏa chạy qua. Nguyên nhân do lưu lượng người tham gia giao thông trên trục đường này khá đông, nhất là học sinh, sinh viên các trường ĐH và PTTH. Chỉ riêng tại nút gác chắn tàu từ 6 giờ 30 đến 18 giờ ngày 14/10 vừa qua, thống kê của Sở GTVT cho thấy, có hơn 31 ngàn lượt xe máy, hơn 15 ngàn lượt xe đạp, xe xích lô và 630 lượt xe ôtô các loại (không tính giờ cao điểm vì không đếm xuể). Còn theo Ga Huế cho hay, mật độ tàu hỏa thông qua nơi này là 36 chuyến/ ngày (36 lần đóng, mở chắn tàu). Với lưu lượng người tham gia giao thông qua đây quá lớn, bộ phận gác chắn phải đề nghị tăng cường thêm người đóng, mở chắn để bảo đảm an toàn cho đoàn tàu.
 
Tại bốn góc của nút giao có bốn kiệt 46, 48, 51 và 53 đường Trần Phú song song với đường sắt, nên lượng người và phương tiện tham gia giao thông phải hòa vào nút giao. Do lưu thông hai chiều, khi lượng người và phương tiện tại các kiệt này nhập vào theo các hướng khác nhau cộng với lượng người và phương tiện lưu thông trên trục đường này gây nên xung đột gay gắt làm ách tắc giao thông kéo dài.
 
Tại nút giao này, mặt đường xe chạy hẹp hơn so với đường Trần Phú hiện tại, vì ray hộ luân của đường sắt chỉ 7m (phạm vi lưu thông còn 6m); trong lúc, mặt đường 10,5m sát với nhà dân. Đường này không có vỉa hè, hơn nữa còn bị khống chế bởi các cột đèn tín hiệu và nhà gác chắn của ngành đường sắt khiến nút giao này bị thắt cổ chai gây nên tình trạng ách tắc giao thông.
 
Phương án giải quyết
 
Để giải quyết tình trạng ách tắc giao thông tại các điểm giao cắt đường bộ, đường sắt trên địa bàn phía tây TP Huế nói chung và tại điểm giao cắt trên đường Trần Phú nói riêng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trường Lưu kết luận: Trong thời gian cầu Phú Cam chưa xây dựng xong, tạm thời vẫn giữ nguyên tổ chức phân luồng như hiện tại và đường Trần Phú vẫn cho phép lưu thông hai chiều. Tuy nhiên, nhằm giảm bớt tình trạng ách tắc trong giờ cao điểm và giờ chắn tàu, Sở GTVT phải khẩn trương phối hợp với Công ty Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên mở rộng nút thắt cổ chai tại điểm giao cắt đường Trần Phú với đường sắt (ít nhất phải bảo đảm mở rộng khẩu độ từ 10m trở lên và hoàn thành trước 30/1/2011). Công ty Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên chịu trách nhiệm mở rộng phía trong rào chắn thuộc phạm vi quản lý của ngành đường sắt và phối hợp giải quyết các thủ tục di dời các cột mốc, đèn tín hiệu và báo hiệu đường sắt.
 
Ngoài việc chịu trách nhiệm chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ mở rộng đường bộ và cải tạo các công trình liên quan tại bốn đường kiệt xung quanh điểm giao cắt, Sở GTVT cho thiết lập dải phân cách cố định bằng vạch kẻ đường để lực lượng CA làm nhiệm vụ có cơ sở điều hành, kiểm soát phân luồng giao thông (tại dải phân cách phía gần rào chắn tàu, nghiên cứu có hình thức phân cách phù hợp, sau khi hoàn thành mở rộng điểm giao cắt). CA tỉnh chỉ đạo CATP Huế và các phường liên quan bố trí lực lượng giám sát, điều hành phương tiện tham gia giao thông tại các tuyến giao cắt với đường sắt nêu trên, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
 
      Bài, ảnh: Vĩnh Cự