7.669 vị trí việc làm dành cho người về từ vùng dịch là thông tin mà ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & xã hội (LĐ-TB & XH) chia sẻ trên Báo Dân Trí ngày 14/8 vừa qua. So với 12.598 trường hợp đang cách ly tại các cơ sở y tế, khu cách ly tập trung và nơi lưu trú (tính đến ngày 15/8), con số này chiếm 60,8%. Đây là tin tốt giữa rất nhiều thông tin cần phải quan tâm về tình hình dịch bệnh nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng.

Mặc dù qua khảo sát ban đầu, nhu cầu chuyển đổi nghề của người về từ vùng dịch chỉ vào khoảng 3.000 người, chưa bằng 1/2 nhu cầu vị trí việc làm của 34 doanh nghiệp trên địa bàn, song điều này vẫn cho thấy, cơ hội vẫn còn cho cả hai. Cả đối với người lao động và cả đối với doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động.

Chia sẻ với người dân và “nhìn” thấy nguồn lực lao động, từ đó liên hệ, đặt vấn đề với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng, chuẩn bị cho việc mở rộng quy mô sản xuất để có kế hoạch tiếp nhận, đào tạo lại và sử dụng nguồn nhân lực này sau khi hoàn thành cách ly là cách mà ngành LĐ-TB & XH đã chủ động thực hiện trong thời gian qua. Tính chủ động này còn được thể hiện ở chỗ ngành đã phối hợp với các địa phương, đơn vị nghiên cứu các giải pháp phù hợp để tạo việc làm lâu dài, bền vững cho người lao động trở về từ vùng dịch. Đồng thời rà soát, phân loại nguồn lao động, nguồn nhân lực để làm cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp…

Thông tin từ baotintuc.vn cũng cho thấy, các Công ty cổ phần Đầu tư - Dệt may Thiên An Phát (phường An Hòa, thành phố Huế), Công ty cổ phần Hello Quốc tế Việt Nam (phường Hương Sơ, TP. Huế), Công ty trách nhiệm hữu hạn Hanesbrands Việt Nam Huế (thị xã Hương Thủy)… hiện đều có nhu cầu tuyển dụng các lao động có tay nghề, kinh nghiệm. Gần đây nhất, Công ty Scavi Huế (Phong Điền) đã có thư ngỏ về nhu cầu tuyển dụng 1.000 lao động gửi những đến lao động ở ngành may đã và sẽ trở về Huế để đáp ứng dây chuyền sản xuất. Trong tương lai gần, Scavi Huế sẽ cần đến 8.400 lao động khi khu nhà máy may tại xã Quảng Vinh (Quảng Điền) hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Cho dù số lượng lớn nhu cầu vẫn tập trung ở lĩnh vực dệt may, song đây vẫn là cơ hội cho rất nhiều người khi họ có thể tiếp tục công việc như trước khi có dịch COVID-19, hoặc có thể được đào tạo lại, được hỗ trợ chi phí xét nghiệm PCR, hỗ trợ một khoản kinh phí ban đầu đối với công nhân có tay nghề ký hợp đồng lao động chính thức hoặc áp dụng chính sách đánh giá tay nghề linh hoạt, ký hợp đồng chính thức và áp dụng mức lương cao tương đương với bậc tay nghề…

Điều này cho thấy, không phải tất cả các cánh cửa đều đóng lại và “trong nguy vẫn có cơ”. Cơ hội vẫn ở phía trước đối với nhiều người trở về từ các tỉnh phía Nam, muốn tìm kiếm một công việc ổn định lâu dài ở quê hương. Cũng là cách tạo ra “cần câu” cho bà con theo như chia sẻ của Giám đốc Sở LĐ-TB & XH Đặng Hữu Phúc.

Minh Hà