Một cuộc họp của Chủ tịch Hội đồng châu Âu và các nhà lãnh đạo G7 ngày 21/6/2021. Ảnh: Kyodo

Năm ngoái, Nhật Bản đã cam kết các gói viện trợ mới lên tới 5,1 tỷ USD, so với 4,4 tỷ USD cam kết tài trợ của Đức, 1,9 tỷ USD của Pháp và 1 tỷ USD của Canada, nghiên cứu của ông Kiyoshi Kodera, cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới cho thấy, trích dẫn dữ liệu từ Viện Phát triển Hải ngoại, một tổ chức tư vấn của Anh. Với các thành viên G7 còn lại, Anh cam kết 990 triệu USD, Mỹ 103 triệu USD và Italy 50 triệu USD.

“So sánh dữ liệu giữa các thành viên G7, có thể thấy rằng Nhật Bản đã đóng vai trò quan trọng như một nhà tài trợ chính, ngay cả vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng COVID-19”, ông Kodera cho biết.

Phần lớn trong số 5,1 tỷ USD hỗ trợ phát triển chính thức của Nhật Bản được nhắm mục tiêu vào các nước đang phát triển, chủ yếu ở châu Á, và các tổ chức đa phương, để hỗ trợ trong cuộc chiến chống lại COVID-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch gây ra, mặc dù GDP Nhật Bản đã giảm 4,8% trong năm 2020, mức giảm mạnh thứ 2 trong lịch sử.

Tuy nhiên, ông Kodera dự báo trong năm nay, Mỹ sẽ vượt Nhật Bản để trở thành nhà cung cấp viện trợ hàng đầu trong G7, một phần vì chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã hỗ trợ đến 2 tỷ USD cho chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, là khoản đóng góp tài chính lớn nhất cho LHQ.

Trong khi ca ngợi những nỗ lực hỗ trợ của Nhật Bản trong việc cung cấp vaccine COVID-19 và thiết bị bảo quản dây chuyền lạnh, chẳng hạn như phương tiện vận chuyển vaccine lạnh đến các nước nghèo, cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Kodera cũng kêu gọi Tokyo đóng một vai trò lớn hơn trong việc tăng cường hệ thống y tế ở các nước đang phát triển trên thế giới.

 “Bên cạnh nguồn cung vaccine, những vấn đề thiết yếu đối với các nước đang phát triển là họ thiếu hụt nghiêm trọng các chuyên gia y tế để tiêm chủng và người dân hoài nghi về vaccine do trên thông tin sai lệch và những tin đồn vô căn cứ… Nhật Bản có thể đi đầu trong việc giúp các nước nghèo đào tạo các chuyên gia y tế và tăng cường tài trợ cho các chiến dịch tiêm chủng như những trụ cột cơ bản để củng cố hệ thống y tế ở các nước đang phát triển”, ông nhấn mạnh.

Ông Kodera cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách y tế và tài chính ở các nước đang phát triển tăng cường phối hợp để các nước như Indonesia và Philippines - những quốc gia có tỷ lệ ngân sách nhà nước dành cho chi tiêu y tế tương đối nhỏ, có thể thiết lập hệ thống tài chính y tế bền vững.

Song song đó, ông Kodera hoan nghênh cam kết hợp tác của Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong việc phát triển các đề xuất tài trợ bền vững, nhằm nỗ lực tăng cường khả năng ứng phó và chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cũng ủng hộ việc bổ sung thêm vốn của Hiệp hội Phát triển Quốc tế, một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, như một phần trong nỗ lực chống lại cuộc khủng hoảng COVID-19 được tốt hơn.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Kyodo News)