Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh

Giao chỉ tiêu cụ thể

Từ năm học 2018 - 2019, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện BHYT HSSV; trong đó, xác định quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia, nội dung sử dụng quỹ BHYT. BHXH tỉnh cũng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và Đại học Huế giao chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT của HSSV đối với từng cơ sở giáo dục; đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia BHYT HSSV là một trong các tiêu chí đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở Đảng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của HSSV.

Tháng 7 hằng năm, BHXH tỉnh phối hợp tổng kết công tác tham gia BHYT HSSV năm học trước, đề xuất giải pháp trong năm học mới. Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, tại hội nghị phụ huynh HS, BHXH tỉnh đều triển khai Luật BHYT; cử cán bộ thu trực tiếp đến các trường học hướng dẫn nhân viên phụ trách lập danh sách và đảm bảo mọi HSSV đều có thẻ BHYT; tổ chức khen thưởng, động viên kịp thời đối với các trường thực hiện tốt. Cơ quan BHXH cũng trích ứng kinh phí để các trường tổ chức chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV.

Cùng với tăng cường truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT để vận động HSSV tham gia BHYT, ngành BHXH tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về công tác thu, đóng phí và cấp thẻ BHYT theo hướng đơn giản, thuận tiện. Các trường học có cơ chế chính sách hỗ trợ cho sinh viên khi tham gia BHYT, như hỗ trợ vay tín dụng, huy động các nguồn lực cộng đồng xã hội mua thẻ cho các em HSSV có hoàn cảnh khó khăn.

Mừng nhiều và cũng… lo

Năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 dai dẳng, gây nhiều cản trở nhưng tỷ lệ HSSV tham gia BHYT ở Thừa Thiên Huế vẫn đạt 95,68%. Nhiều địa phương đạt tỷ lệ HSSV tham gia tốt, như A Lưới (99,87%, Quảng Điền (99,5%)… Đặc biệt, một số trường học có 100% HSSV tham gia BHYT, như  ĐH Y Dược-ĐH Huế, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Trường THPT Hai Bà Trưng, Trường tiểu học Lê Lợi…

HSSV là đối tượng tập trung, có hiểu biết và nhận thức xã hội cao nên dễ quản lý và huy động tham gia BHYT hơn các đối tượng khác. Một sinh viên của Trường đại học Khoa học, ĐH Huế chia sẻ, từ khi đi học, em đã bắt đầu tham gia mua BHYT. Lúc đầu là yêu cầu bắt buộc của nhà trường nhưng sau này, khi được tìm hiểu kỹ về BHYT em đã tham gia một cách đầy đủ và tự nguyện để tránh trường hợp xấu xảy ra. Không phải SV nào cũng có được nhận thức và điều kiện như vậy.

Chúng tôi gặp một số SV không tham gia BHYT. Nhiều trường hợp nghèo quá, lo học phí đã “toát mồ hôi” nên SV nhắm mắt bỏ qua việc tham gia mua BHYT. Cũng có nguyên nhân là do đi khám bệnh bằng thẻ BHYT gặp… nhiều khó khăn. Thế nhưng nhìn chung, những SV không mua BHYT mà chúng tôi đã gặp chưa từng ốm đau nặng nên “chưa biết sợ” và không hiểu hết giá trị của tấm thẻ BHYT. Với hàng vạn SV hệ chính quy, việc tham gia BHYT của SV Đại học Huế đã góp một phần không nhỏ vào quỹ BHYT của tỉnh. Thế nhưng, tỷ lệ SV tham gia BHYT ở các trường đại học và khoa trực thuộc ĐH Huế chưa đạt kết quả mong muốn.

Khảo sát của cơ quan BHXH tỉnh, một số trường học chưa triển khai hoặc triển khai chưa tốt công tác BHYT đối với HSSV; công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV của nhiều trường học chưa được đảm bảo do thiếu cán bộ y tế và cơ sở vật chất; công tác tuyên truyền về BHYT, đặc biệt là BHYT HSSV hiệu quả chưa cao.

Quyết tâm bao phủ

Năm học 2021 - 2022 bắt đầu. Tình hình dịch COVID-19 ngày càng phức tạp mang tới nhiều hệ lụy, đáng nói là đời sống kinh tế khó khăn khiến cho việc tham gia BHYT gặp thêm nhiều trở ngại. Tuy nhiên, toàn tỉnh khẳng định quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết số 21- NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020”, trong đó có mục tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ 100% HSSV tham gia BHYT.

Để đạt mục tiêu bao phủ này, BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông và giáo dục; phối hợp với các cơ sở giáo dục tổ chức thu BHYT kịp thời; phối hợp với các trường kiện toàn đội ngũ cán bộ y tế, đầu tư cơ sở vật chất cho các phòng y tế tại các cơ sở giáo dục; tăng cường kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT; tiếp tục phối hợp với ngành tài chính đề xuất nâng mức cho vay đối với SV, đặc biệt là đối tượng hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để các em có nguồn kinh phí trang trải học tập, tham gia BHYT; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu với UBND các cấp về mức hỗ trợ BHYT đối với HSSV từ ngân sách của địa phương; xử lý nghiêm các đơn vị thiếu trách nhiệm trong thực hiện Luật BHYT; khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể xuất sắc.

Bài, ảnh: Huế Thu