Theo người viết, có thể hiểu nguyên tắc này như sau. Thứ nhất, không để hư hao, suy yếu vốn đầu tư công. Chuyện thất thoát, giảm hiệu quả của vốn đầu tư công là chuyện không khó nhận biết đối với vốn đầu tư công ở Việt Nam nói chung, thể hiện ở việc “rút ruột” công trình, dự án. Đáng lý làm đạt chất lượng 10 thì bằng một cách nào đó bên B chỉ làm đạt 8-9, thậm chí là dưới mức đó. Ví dụ nhiều con đường mới làm xong, chỉ sau một thời gian ngắn đã sụt lún. Trách nhiệm này thuộc về bên B (đơn vị thực hiện). Song bên A (chủ đầu tư) cũng phải nhận thấy một phần trách nhiệm của mình. Đó là chọn nhà thầu không tốt, công tác giám sát thực hiện không tốt, thậm chí là công tác nghiệm thu, quyết toán công trình, dự án không tốt. Nếu chúng ta thực hiện tốt việc đầu tư, chọn nhà thầu, giám sát, quyết toán… thì chất lượng công trình, dự án sẽ đạt mười. Điều này, có thể được hiểu là nguyên tắc “bảo vệ nguồn” mà Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu?

Thứ hai, đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm. Với một nguồn ngân sách eo hẹp, chúng ta phải biết ưu tiên sắp xếp cái gì cần làm trước. Cái gì cũng cần phải làm nhưng chưa cấp thiết thì để làm sau. Trọng tâm, trọng điểm có nghĩa là ưu tiên cho những công trình, dự án có sức lan tỏa đến nền kinh tế và cũng có thể là giải quyết những vấn đề cấp bách cho dân sinh. Bảo vệ nguồn tức là đầu tư một đồng thì nó là “bệ đỡ” để tạo ra được nhiều đồng. Một con đường, một chiếc cầu… được đầu tư giúp lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn, nhanh hơn; người dân đi lại dễ dàng hơn, đô thị hóa được đẩy mạnh hơn... Như vậy, chúng ta có thể hiểu bỏ ra một đồng không những giữ đúng một đồng, không để thất thoát hào nào mà nó còn sinh ra thêm một đồng mốt, một đồng hai… thậm chí là nhiều hơn thế nữa.

Một điều nữa cũng cần đề cập đó là, thực hiện công trình, dự án đúng tiến độ; giải ngân đúng tiến độ. Làm chậm dự án, công trình chúng ta sẽ chịu nhiều thua thiệt. Thua thiệt ở đây có thể  được hiểu là công trình chậm phát huy hiệu quả. Quá trình thực hiện kéo dài có thể gặp phải những rủi ro như trượt giá, đội vốn công trình, tức là ngân sách nhà nước chịu thiệt. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cũng đặc biệt lưu ý trong cuộc họp thường kỳ tháng 7 của UBND tỉnh nói trên. Ông Phương chỉ đạo: “Phải giải ngân nhanh để đóng góp cho tăng trưởng. Thực hiện việc điều chuyển nguồn vốn đầu tư công cho công trình, dự án khác nếu chủ đầu tư không làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, không đảm bảo tiến độ giải ngân”.

Hơn lúc nào hết, trong thời điểm dịch bệnh kéo dài và ngày càng có những chuyển biến phức tạp, khó lường, vốn đầu tư tư nhân có phần “chùng bước” thì chính lúc này phát huy hiệu quả vốn đầu tư công là hết sức quan trọng. Đẩy mạnh đầu tư công sẽ tạo ra công ăn việc làm, kích thích nền kinh tế phát triển. Nó chẳng những tốt cho hiện tại mà còn cho cả lâu dài.

NGUYÊN LÊ